Indonesia: Xuất khẩu than là động lực tăng trưởng

Xuất khẩu than của Indonesia sẽ vẫn tiếp tục đà tăng và là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế đất nước “Vạn đảo.”
Mặc dù Ngân hàng Thế giới (WB) vừa điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia do tác động suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chủ chốt, song xuất khẩu than của đất nước “Vạn đảo” sẽ vẫn tiếp tục đà tăng và là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế.

Theo giới phân tích, xuất khẩu than của Indonesia sang khu vực Đông Á vẫn không bị ảnh hưởng mấy bởi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và châu Âu.

Năm 2012, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn là những khách hàng chủ chốt, nhân tố hàng đầu cho tăng trưởng xuất khẩu than của Indonesia. Nếu Arập Xêút tiếp tục đứng đầu thế giới trong ngành công nghiệp dầu mỏ thì Trung Quốc đứng đầu ngành than. Tỷ trọng than Trung Quốc trong tổng sản lượng than toàn cầu cao gấp 4 lần mức tương ứng của Arập Xêút trong sản lượng dầu mỏ thế giới. Tiêu thụ than của Trung Quốc cao gấp đôi nhu cầu dầu của Mỹ.

Những số liệu này cho thấy sự mất cân đối rõ ràng giữa nhu cầu và năng lực sản xuất than của Trung Quốc, và động thái này ảnh hưởng trực tiếp đến sự bất ổn của thị trường than toàn cầu.

Ấn Độ, một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh cũng đang trong tình trạng tương tự như Trung Quốc. Trong tổng công suất điện 173.356 MW của Ấn Độ thì các nhà máy điện chạy than chiếm gấn 50%, với 93.918 MW. Nhu cầu vượt xa sản xuất cũng khiến nhập khẩu than là lựa chọn chính của quốc gia lớn nhất và đông dân nhất Nam Á này.

Trong bối cảnh trên, với tiềm năng than đá của mình, Indonesia cần có chiến lược như thế nào khi là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới?

Sản lượng than của Indonesia được dự báo sẽ đạt 380 triệu tấn vào năm 2012, vượt mức mục tiêu 332 triệu tấn của chính phủ, trong đó khoảng 82,07 triệu tấn (24,72%) được dành đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong số này, riêng Công ty điện nhà nước PT PLN sẽ tiêu thụ tới 57,2 triệu tấn, phần còn lại dành cho các công ty điện lực khác và các ngành công nghiệp khác.

Như vậy, rõ ràng, thị trường xuất khẩu là trọng tâm ưu tiên của ngành than Indonesia. Tiềm năng xuất khẩu và giá than được dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2012, mặc dù có thấp hơn một chút so với năm 2011. Điều này đã khuyến khích gần như tất cả các doanh nghiệp khai thác than tích cực gia tăng năng lực sản xuất.

Bộ Năng lượng Indonesia cho biết 5 công ty than lớn nhất nước này sẽ tăng 9-15% năng lực sản xuất, tức 25 triệu tấn, cho xuất khẩu trong năm nay, bởi Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo chắc chắn sẽ trở thành các nhà nhập khẩu than lớn nhất của Indonesia.

Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) ước tính tiêu thụ điện của nước này năm 2011 tăng 12% lên 4.700 tỷ KWh. Để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng, Bắc Kinh đã tăng công suất phát điện, từ 962 GW năm 2010 lên 1.050 GW năm 2011. CEC dự báo tiêu thụ điện năng của nước này sẽ tăng khoảng 8,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015, lên 6.270 tỷ KWh vào năm 2015.

Các nhà máy điện chạy than chiếm đa số trong các nhà máy điện ở Trung Quốc, nên mặc dù đứng đầu thế giới với sản lượng than 3,73 tỷ tấn năm 2011, song nước này trong cùng kỳ vẫn phải nhập tới 150 triệu tấn.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một mục tiêu chính khác của xuất khẩu than Indonesia, bởi giống như Trung Quốc, hầu hết các nhà máy điện ở Ấn Độ đều chạy bằng than. Nước này có trữ lượng than ước 286 tỷ tấn, trong đó 114 tỷ tấn đã được chứng minh, so với các con số tương ứng 104 tỷ tấn và 22 tỷ tấn của Indonesia. Năm tới, dự kiến Ấn Độ sẽ nhập khẩu 140 triệu tấn than, và sẽ tiếp tục tăng lên 300 triệu tấn vào giai đoạn 2016-2017.

Theo Hiệp hội than Indonesia (ICS), giá than có thể giảm nhẹ trong quý 1/2012, song sẽ vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 110-115 USD/tấn, giá FOB, trong năm nay./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục