Châu Phi gặp nhiều thách thức về vấn đề cạnh tranh

Mặc dù đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, châu Phi vẫn phải đối phó với nhiều thách thức trong vấn đề cạnh tranh toàn cầu. 
Ngày 9/5, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về châu Phi đang diễn ra tại thành phố Cape Town của Nam Phi, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) đã công bố "Báo cáo 2013 về khả năng cạnh tranh của châu Phi."

Báo cáo cho thấy, trong số 54 quốc gia châu Phi, Nam Phi dẫn đầu về khả năng cạnh tranh kinh tế khi được xếp thứ 52 trong số 144 quốc gia thuộc Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2013, giảm hai bậc so với năm ngoái.

Tiếp theo là Mauritius (xếp thứ 54) và Rwanda (xếp thứ 63). Các nước có khả năng cạnh tranh cao khác của châu Phi là Botswana, Gabon, Maroc, Namibia và Seychelles. Xét về tổng thể, mặc dù đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận trong thập kỷ qua, châu lục này vẫn phải đối phó với nhiều thách thức trong vấn đề cạnh tranh toàn cầu.

[Khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới về châu Phi lần 23]

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Cape Town sau khi công bố báo cáo, bà Jennifer Blanke, nhà kinh tế trưởng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định khả năng cạnh tranh của châu Phi còn tụt sau Đông Nam Á, Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Mặc dù là lục địa trẻ nhất thế giới với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi, song châu Phi vẫn chưa thực sự quan tâm phát triển tài năng, chưa chú trọng phát triển giáo dục và cung cấp một môi trường lành mạnh cho các công dân của mình.

Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh giữa các nền kinh tế trong châu lục cũng rất chênh lệch. Trong khi khả năng cạnh tranh của Nam Phi và Mauritius xếp trên Ấn Độ (59) và Nga (67), thì có tới 14 nước châu Phi nằm trong số 20 nước có sức cạnh tranh thấp nhất trong Chỉ số cạnh tranh toàn cầu, với Burundi ở vị trí cuối cùng.

Theo bà Blanke, một trong số những nguyên nhân khiến trao đổi thương mại và hội nhập tại châu Phi còn thấp là do một số nhân tố như công tác quản lý biên mậu kém hiệu quả và thiếu công nghệ thông tin, khiến các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc thu thập những dữ liệu cần thiết.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng thưa thớt trên châu lục cũng cản trở quá trình hội nhập và phát triển, đặc biệt là đối với những nước trong đất liền.

Giáo sư Mthuli Ncube, nhà kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch AfDB cũng cho rằng hệ thống hạ tầng là "vấn đề tối quan trong đối với sự phát triển của châu Phi". Theo ông, hệ thống hạ tầng yếu kém đã khiến tăng trưởng kinh tế của châu lục giảm 3%.

Báo cáo cho rằng châu Phi sẽ còn gặp khó khăn về khả năng cạnh tranh chừng nào các nước trên châu lục còn phải đối mặt với các điều kiện và thách thức hết sức đa dạng, trong khi không có một khuôn mẫu chung nào cho tất cả các nước.

Xét về tổng thể, châu Phi đã từ từ cải thiện, cụ thể là từ năm 2005 đến năm 2010 châu lục này đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc cải cách thể chế và phát triển hệ thống hạ tầng. Nhưng từ năm 2010 trở đi, quá trình này "đã đi vào bế tắc hoặc thậm chí xấu đi tại một số nền kinh tế," nơi các chỉ số về kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục tiểu học đã chững lại hoặc suy giảm nhẹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục