Sớm chặn nạn trộm gỗ quý ở Vườn quốc gia Yok Đôn

Đầu tháng 4 này, tình trạng chặt trộm gỗ quý ở Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk, lại nóng lên với nhiều vụ việc được phát hiện.
Đầu tháng Tư này, tình trạng chặt trộm gỗ quý trong vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk, lại nóng lên với nhiều vụ việc được phát hiện. Phóng viên TTXVN đã có chuyến “lội rừng” và tận mắt chứng kiến nhiều cây gỗ cổ thụ quý hiếm còn lại bị lâm tặc đốn hạ ngay trước “mũi” của kiểm lâm.

Tận diệt gỗ quý hiếm

Chúng tôi xuyên rừng đến tiểu khu 425 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Yok Đôn. Tây Nguyên đang là cao điểm của mùa khô, rừng khộp trơ trụi lá, nóng như chiếc chảo rang. Cách đường tuần tra khoảng 20m là gốc cây gỗ hương (nhóm 2A) cổ thụ vừa bị lâm tặc đốn hạ, cành lá vẫn còn xanh. Những người trong đoàn đều xót xa khi nhìn thấy cây hương cổ thụ giờ chỉ còn trơ gốc, dấu cưa còn rất mới, nhựa ứa ra khô quẹo lại đỏ thẫm.

Theo một cán bộ kiểm lâm, cây gỗ hương này có khối lượng gần 5m3, giá bán trên thị trường hiện gần 200 triệu đồng. Bên vệ đường cách đó không xa, nhóm phóng viên tiếp tục phát hiện hai cây gỗ hương có đường kính khoảng 50cm vừa bị đốn hạ, toàn bộ phần thân đã bị lâm tặc lấy đi, phần cành ngọn vẫn còn xanh mướt chứng tỏ bọn lâm tặc vừa ra tay mới đây.

Đi sâu hơn vào vùng lõi, tại các tiểu khu 421, 425, 441 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, chúng tôi chứng kiến nhiều cây gỗ hương cổ thụ có đường kính từ 0,7-1,2m vừa bọn lâm tặc triệt hạ gần đây. Các kiểm lâm viên của trạm bảo vệ rừng phụ trách các tiểu khu trên cho biết ngày 9/4 vừa qua, lực lượng kiểm lâm phát hiện 5năm cây gỗ hương cổ thụ vừa bị lâm tặc đốn hạ với tổng khối lượng gỗ gần 25m3. Đây là những cây hương cổ thụ hiếm hoi còn sót lại của Vườn.

Theo tính toán, với chủng loại gỗ của những cây hương vừa bị chặt hạ giá trị trên thị trường Buôn Ma Thuột hiện khoảng 40-50 triệu đồng/m3. Với gần 25m, nếu vận chuyển trót lọt ra ngoài bọn lâm tặc có thể thu được món lợi tiền tỷ. Vì lợi nhuận quá lớn, bọn lâm tặc rất liều lĩnh.

Cùng ngày, lực lượng kiểm lâm phát hiện nhóm lâm tặc đốn hạ hai cây gỗ hương cổ thụ. Bị truy đuổi, chúng vứt lại xe hai xe máy tại hiện trường rồi tháo chạy. Đêm đến, bọn lâm tặc tổ chức thành nhóm quay lại hiện trường hòng cướp lại xe và gỗ tang vật. Lực lượng kiểm lâm canh gác phải sử dụng súng quân dụng bắn chỉ thiên liên tục bọn chúng mới từ bỏ ý định.

Tiếp tục đi trên các cung đường tuần tra bảo vệ rừng trong vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh tan hoang của khu rừng cấm, lá phổi xanh duy nhất ở phía tây cao nguyên Đắk Lắk này. Chỉ trong một quãng ngắn hơn 1km đã có hàng trăm cây gỗ hương, căm xe, cà chít, cẩm lai… to cỡ vài vòng tay người lớn ngay sát đường tuần tra bị lâm tặc đốn hạ.

Một cán bộ kiểm lâm cho biết nếu đi sâu vào rừng thêm một chút, cảnh tượng còn hoang tàn hơn nhiều. Loại gỗ lâm tặc tập trung khai thác nhiều nhất là giáng hương, căm xe, cà chít… Các loại gỗ quý khác như trắc, cà te, cẩm lai chỉ còn sót lại rất ít ỏi ở trên đỉnh Yok Đôn do địa hình quá hiểm trở. Nhiều cây gỗ quý chỉ cách đường tuần tra vài chục mét bị lâm tặc đốn hạ đổ chắn ngang đường, sau đó xẻ thành phách và vận chuyển đi mà không gặp bất kỳ một sự cản trở nào từ phía lực lượng kiểm lâm tuần tra.


Nguy cơ thành khu rừng cấm “rỗng ruột”

Theo ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, lợi dụng mùa khô và địa hình rừng bằng phẳng, lâm tặc ráo riết hoạt động, xâm nhập bằng nhiều ngả đường để tìm hạ các cây gỗ quý. Từ đầu năm đến nay, kiểm lâm đã bắt giữ 162 vụ khai thác, vận chuyển trái phép, thu giữ gần 170m3 gỗ có nguồn gốc từ rừng Yok Đôn, cùng nhiều phương tiện để khai thác lâm sản trái phép.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” về tình trạng vi phạm lâm luật ở Vườn quốc gia Yok Đôn. Năm 2010, đã xảy ra bảy vụ lâm tặc tấn công, chống trả lực lượng kiểm lâm làm chín nhân viên kiểm lâm của Vườn bị thương. Cái khó trong công tác bảo vệ rừng ở Yok Đôn hiện nay là có đến bảy xã nằm trong vùng đệm của khu rừng cấm này. Trong các tháng mùa khô, hàng trăm người dân trở thành lâm tặc đổ vào rừng để khai tác gỗ trái phép. Trong khi đó, bình quân một kiểm lâm viên của vườn hiện phải quản lý tới 700ha rừng.

Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều cây gỗ cổ thụ quý hiếm bị lâm tặc chặt hạ ngay cạnh bên đường tuần tra bảo vệ rừng một cách công khai. Vị trí của nhiều cây gỗ quý cách các trạm bảo vệ rừng không xa; việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng chỉ bằng các đường độc đạo, trên đó có các trạm bảo vệ rừng với đông đảo lực lượng kiểm lâm trấn giữ nhưng không hiểu sao vẫn xảy ra chuyện “con voi chui lọt lỗ kim.”

Nhiều cán bộ của Vườn quốc gia cho biết thực tế hiện nay đã hình thành các đường dây khai thác gỗ lậu ở Vườn quốc gia Yok Đôn một cách chuyên nghiệp và không loại trừ việc có cán bộ của Vườn đã tiếp tay cho lâm tặc.

Một số cán bộ, kiểm lâm viên đã bị xử lý kỷ luật vì có dầu hiệu tiêu cực nhưng do không có chứng cứ cụ thể nên không thể xử lý nghiêm minh được. Hầu hết các vụ việc nghiêm trọng sau khi được Vườn chuyển hồ sơ lên các cơ quan chức năng, đều trong tình trạng “án binh bất động” một cách khó hiểu. Vì vậy, bọn lâm tặc tỏ ra “lờn” mặt, ngày càng hung hãn, manh động, tàn sát gỗ quý hiếm trong Vườn không thương tiếc.

Một vấn đề khác là nhiều vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng lớn xảy tại các tiểu khu liền kề, có dấu hiệu do một nhóm gây ra (như các vụ phát hiện ngày 9/4 vừa qua) thu được cả tang vật, xe máy với đầy đủ biển kiểm soát nhưng không hiểu sao Hạt Kiểm lâm Vườn không khởi tố vụ án và đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ mà lại vội vã cho thu gom?

Một cán bộ lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn than thở rằng Vườn giờ như là của riêng của lâm tặc. Chúng tôi lại phải đi bảo vệ để bọn chúng khai thác dần. Với tình trạng này, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi Vườn quốc gia Yok Đôn chỉ còn là khu rừng rỗng ruột./.

Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục