Radio bắt sóng…1 đài

VOV Giao thông sẽ cung cấp “radio chuyên dụng”

Ngoài việc mở thêm Kênh giao thông, VOV đang triển khai loại “radio 1 tần số” để phục vụ những người thường xuyên di chuyển.
“Muốn biết hiệu quả, bạn cứ ra đường, lên xe ôtô là thấy các ‘bác tài’ quan tâm tới Kênh giao thông chỉ dẫn trên địa bàn Hà Nội thế nào? Còn chúng tôi chỉ biết, mỗi ngày có không dưới 2.000 cuộc điện thoại gọi về chờ xử lý…”

Ông Vũ Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ phát thanh (Đài Tiếng nói Việt Nam) nói với phóng viên Vietnam+ như vậy khi được hỏi về hiệu quả của Kênh giao thông sau hơn 6 tháng triển khai.

Sắp tới, ngoài việc mở Kênh giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này còn triển khai chế tạo loại “Radio 1 tần số” để phục vụ những người thường xuyên di chuyển trên đường.

Chỉ bắt sóng… 1 đài

Xin ông giải thích rõ hơn về “Radio một tần số” mà Kênh giao thông đang triển khai?

Ông Vũ Minh Tuấn: Radio một tần số là một thiết bị radio chuyên dụng, chỉ bắt được một tần số (hay còn gọi là “kênh” – PV), và đó là tần số của Kênh giao thông.

Đây là một thiết bị nhỏ, như tai nghe Bluetooth vậy, để người dùng có thể gắn vào tai. Chúng tôi cũng đang tìm cách cài nó vào mũ bảo hiểm, rất tiện lợi. Khi dùng hết năng lượng, người sử dụng có thể dùng sạc điện thoại Nokia để sạc lại pin.

Một ý tưởng độc đáo, thưa ông, nhưng công việc này triển khai đến đâu rồi?

Ông Vũ Minh Tuấn: Việc nghiên cứu của chúng tôi đã hoàn tất. Chiếc radio này sẽ sớm được sản xuất và đưa ra thị trường vào quý I/2010.

Theo dự kiến, chúng tôi sẽ phát không cho những ai thường xuyên tham gia giao thông tại những điểm mà Kênh giao thông đã triển khai phát sóng. Nếu có bán, chúng tôi cũng chỉ bán với giá hỗ trợ, khá rẻ (khoảng 40.000-50.000 đồng/chiếc).

Thế nào là người thường xuyên tham gia giao thông? Ông dùng tiêu chí gì để xác định?

Vì số lượng radio một tần số có hạn, nên tính đối tượng sẽ được phân bổ. Chẳng hạn, các em học sinh cấp 3 thì sẽ không được phát hoặc mua bởi các em chưa đến tuổi đi xe máy, nhưng với các em sinh viên thì khác.

Tiêu chí của chúng tôi là sẽ ưu tiên những người thường xuyên tham gia giao thông như những người chở khách, vận tải bằng xe máy. Còn ôtô thì họ có radio gắn trên xe rồi.

Tuy nhiên, quả thật là rất khó để xác định ai là người thường xuyên tham gia giao thông. Do đó, chúng tôi có ý tưởng ai muốn được cấp radio này phải xin xác nhận tại khu vực mình hành nghề về việc anh ta thường xuyên đứng ở góc phố, con đường đó.

Thật ra, mấy thứ giấy đó cũng chỉ là để tin nhau một chút thôi, chứ tôi tin những người không thực sự cần thiết thì họ cũng không đến để nhận radio, vì thiết bị này chỉ bắt sóng 1 kênh và giá trị kinh tế của nó cũng rất rẻ.

Phát điện thoại di động cho cộng tác viên

Sau khi đã rất thành công tại Hà Nội, VOV Giao thông sẽ được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và phát sóng ngày 15/12 tới. Công việc tiến hành đến đâu rồi, thưa ông?

Ông Vũ Minh Tuấn: Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ. Máy móc cũng đã xong, con người cũng tuyển xong hết cả rồi. Hiện, chúng tôi có 40 cán bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, song có hàng ngàn cộng tác viên đang là sinh viên. Họ sẽ mặc đồng phục của VOV Giao thông, đi tới các điểm nóng để phản ánh trực tiếp lên sóng.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ trang bị cho các bạn điện thoại di động để có thể gọi về tổng đài miễn phí, tạo điều kiện tốt nhất để các bạn làm việc. Điện thoại này do Vinaphone tài trợ, đồng hành cùng Kênh giao thông.

Ngoài ra, tất cả những ai đang sử dụng điện thoại di động mang đầu số của Vinaphone, khi gọi về tổng đài của VOV Giao thông cũng không bị tính cước phí. Chúng tôi cũng đang kết nối với các hãng như Mobifone, Viettel… với mong muốn họ đồng hành cùng chương trình.

Chương trình phát sóng ở Thành phố Hồ Chí Minh có khác gì với Hà Nội không và khi phát trực tiếp 2 chương trình một lúc, có bị lẫn sóng không?

Ông Vũ Minh Tuấn: Về cơ bản, chương trình mới cũng không khác gì chương trình tại Hà Nội. Chúng tôi vẫn dùng công nghệ camera tín hiệu wifi truyền dẫn. Tuy nhiên, cái khác ở đây là trong khi Hà Nội lắp 65 camera thì tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi đầu bằng 200 camera.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cấp các điểm lắp camera ở Hà Nội lên con số 300-400 và ở Thành phố Hồ Chí Minh là 500-600 camera, để đáp ứng yêu cầu của người dân.

Hiện, chúng tôi phát sóng giao thông trực tiếp 8 tiếng/ngày vào những giờ cao điểm. Ngoài ra, có xen kẽ những chương trình ca nhạc, chỉ dẫn và game khá thú vị.

Việc phát sóng cùng tần số cũng không có gì đáng ngại. Sóng ở Hà Nội chỉ có khoảng cách 150km và Hồ Chí Minh là 250km, do đó sẽ không trùng nhau. Chỉ có những chương trình… không trực tiếp, chúng tôi nhập hệ thì thính giả cả 2 địa điểm đều nghe giống nhau.

Ông lấy tiêu chí nào để chọn điểm lắp đặt camera?

Chúng tôi lắp đặt camera cố định và có thể điều khiển nó ở trung tâm như quay 360 độ, zoom cận cảnh và toàn cảnh… Dữ liệu sau đó được chuyển về trung tâm.

Về điểm đặt, chúng tôi cũng lựa chọn những điểm “nóng” về ùn tắc giao thông, để từ đó có hình ảnh xác thực nhất truyền trực tiếp tới thính giả. Khi điểm ùn tắc đỡ hoặc không còn, chúng tôi sẽ lắp sang chỗ khác để theo dõi.

Là kênh, không phải chương trình

Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) hiện cũng phát sóng chương trình giao thông. Dường như nhiều người đang nghĩ rằng VOV Giao thông và chương trình này là một...

Ông Vũ Minh Tuấn: Khi Kênh giao thông 91 ra đời tại Hà Nội, VOH có ra để tham khảo. Đến nay, chúng tôi là kênh riêng, chuyên về giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn VOH có chương trình về giao thông, đó cũng là chuyện bình thường.

Song, với 200 điểm đặt camera và sắp tới có thể lên đến 600 cùng với hàng ngàn cộng tác viên ở khắp các nẻo đường, chúng tôi tin tưởng VOV Giao thông sẽ đem lại nhiều thông tin chính xác và kịp thời nhất cho thính giả.

Trong thời gian tới, khi 3G được triển khai rộng rãi, chúng tôi sẽ có những tiện ích rất riêng và thân thiện, để người tham gia giao thông tiện lợi nhất khi tìm đường không tắc nghẽn qua điện thoại...

Xin cảm ơn ông./.
Bất ngờ sau 6 tháng

Trong buổi trò chuyện cùng phóng viên Vietnam+, ông Tuấn bày tỏ bất ngờ về hiệu quả mà VOV Giao thông đem lại sau hơn 6 tháng triển khai trên địa bàn Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, có không dưới 2.000 cuộc điện thoại về trung tâm yêu cầu xử lý. Đa phần những câu hỏi đó về Luật tham gia giao thông, ví dụ như: Tại sao loại xe này được vào thành phố, xe kia không được vào hay đi thế này thì phạm luật gì...

Đặc biệt, nhiều người qua kênh giao thông, đang lạc đường cũng tìm đúng địa chỉ. Nhiều trường hợp mất giấy tờ, mất đồ trên taxi… khi đưa thông tin lên sóng, nhiều người nhặt được đã biết số điện thoại liên hệ để trả lại…
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục