Bế mạc AI Games III với bất ngờ mang tên Việt Nam

Với 42 huy chương vàng, 30 huy chương bạc, 22 huy chương đồng, đoàn Việt Nam xếp thứ hai tại Asian Indoor Games III, kết thúc tối 8/11 tại Hà Nội.
Tối nay, 8/11, Lễ bế mạc Asian Indoor Games III (AIG III) đã được tổ chức trang trọng, thắm đầy tinh thần hữu nghị tại Cung thi đấu điền kinh trong nhà, Mỹ Đình, Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Giã bạn" đã mang đến lễ bế mạc AIG III 9 cảnh diễn đặc sắc, sinh động mang đậm sắc màu văn hóa, thể thao thời đại mới. Với âm hưởng xuyên suốt là Việt Nam-Đất nước hòa bình, thân thiện và phát triển, Việt Nam luôn mở rộng vòng tay đón chào bạn bè quốc tế quay trở lại, đặc biệt là đến với Thủ đô Hà Nội trong năm Du lịch quốc gia 2010 với Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Trong bài diễn văn đọc tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Danh Thái, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức AIG III cho rằng, sau 10 ngày thi đấu sôi nổi với tinh thần thể thao trung thực, cao thượng, sự phấn đấu và nỗ lực hết mình của các vận động viên, AIG III đã thành công tốt đẹp với nhiều kỷ lục mới được xác lập, củng cố niềm tin và hy vọng về tương lai tươi sáng của thể thao châu Á.

"Mặc dù diễn ra ở nhiều địa điểm thi đấu ở 6 tỉnh, thành phố trong cả nước, AIG III đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách, năng động, sáng tạo, đoàn kết, hội nhập, hợp tác vì một châu Á phát triển. Thành công của đại hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thể thao châu Á, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam có thể tiếp tục đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục và thế giới trong tương lai", Thứ Nguyễn Danh Thái khẳng định.

Ghi nhận sự thành công của đại hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á Timothy Fox bày tỏ lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể và các địa phương đã cùng góp sức để AIG III diễn ra "trong bầu không khí ngập tràn hạnh phúc".

Nhân dịp này, ông Timothy Fox kêu gọi thanh niên châu Á hãy hội tụ tại kỳ đại hội thể thao tiếp theo của châu lục sau 4 năm nữa trong tình anh em, vì tương lai phát triển của nhân loại.

AIG III, bất ngờ lớn nhất mang tên Việt Nam

Theo đánh giá của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Văn Quỳnh, AIG III, một kỳ đại hội tầm cỡ châu lục đã được tổ chức thành công với việc nước chủ nhà Việt Nam xuất sắc vươn lên đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp (sau Trung Quốc) với 42 huy chương vàng, 30 huy chương bạc, 22 huy chương đồng.

Nếu so với chỉ tiêu đề ra là cố gắng giành được từ 15 - 20 huy chương vàng, phấn đấu lọt vào tốp 8 đoàn thể thao dẫn đầu thì thành tích đoạt ngôi á quân sau khi diễn ra môn thi cuối cùng của AIG III cho thấy thể thao Việt Nam đã có sự nhảy vọt đáng tự hào, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Lý giải về thành công của Việt Nam tại AIG III, ông Quỳnh cho rằng, với 505 vận động viên, đoàn thể thao Việt Nam có lực lượng đông nhất, tham dự tất cả 20 môn thi đấu chính thức và 1 môn biểu diễn. Ngoài ra, còn phải kể tới sự thành công có phần bất ngờ đến từ một số môn mới, điển hình là một vài môn võ, trong đó có kurash, môn thể thao có xuất xứ từ Uzbekistan.

Ông Quỳnh cho biết thêm, kết thúc AIG III, với 8 chiếc huy chương vàng giành được, Việt Nam đã  thực sự không có đối thủ xứng tầm ở môn thi đấu vovinam. Tương tự, pencat silat Việt Nam một lần nữa chứng tỏ ngôi vị độc tôn của mình ở tầm châu lục với 7 lần, Quốc kỳ của nước chủ nhà AIG III được kéo lên ở ngôi cao nhất.

Ở bộ môn đá cầu, Việt Nam "vô đối" với 5 chiếc huy chương vàng đoạt được ở 5/6 nội dung quan trọng là đôi nam, đơn nam, đá cầu 3 người của nam, đôi nữ và đơn nữ.

Khoảnh khắc đã đi vào lịch sử của thể thao Việt Nam là khi Vũ Thị Hương nở nụ cười rạng rỡ khi cán đích đầu tiên ở đường chạy 60 mét chỉ mất có 7'' 24, phá kỷ lục cũ do vận động viên người Thái Lan Nongnuch Sanrat xác lập ở AIG II năm 2007 với thời gian 7'' 28.

Thành công này đã giúp Vũ Thị Hương bước lên một tầm cao mới với tư cách Nữ hoàng điền kinh của châu lục, sau nhiều năm liền giữ danh hiệu này ở khu vực Đông Nam Á.

Asian Indoor Games kết thúc, Asian Indoor-Martial Arts Games bắt đầu

AIG, một sân chơi của các môn thể thao không nằm trong chương trình thi đấu ở các Thế vận hội Olympic và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), trong khi đó lại phải thu hút các môn thể thao của các dân tộc trên lục địa châu Á (trong đó có cả các trò chơi dân gian như vật kurash, múa lân-rồng, beltwresling...) nên đại hội mang tính chất quần chúng rộng rãi.

Lần thứ 3 được tổ chức, song đây là lần cuối cùng Đại hội thể thao châu Á trong nhà tồn tại, bởi từ kỳ đại hội sau, hai đại hội là Asian Indoor Games và Asian Martial Arts Games (Đại hội võ thuật châu Á) sẽ hợp nhất và trở thành một đại hội mới mang tên Asian Indoor-Martial Arts Games.

Theo lý giải của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), việc thống nhất hai đại hội có nhiều điểm tương đồng này là hợp lý, bởi cả Asian Indoor Games lẫn Asian Martial Arts Games đều có những môn thi đấu gần giống nhau, và cả các điều lệ, tính chất phát triển tương tự.

Hợp nhất hai đại hội này sẽ giúp các quốc gia tiết kiệm được cả thời gian lẫn công sức trong việc tập trung đoàn thể thao duy nhất dự giải. Dự kiến, chu kỳ tổ chức của sân chơi này sẽ được kéo dài lên bốn năm một lần, thay vì hai năm như trước đây./.
Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục