Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán

Đề án của Bộ LĐ-TB và XH nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Ngày 30/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã công bố quyết định của Bộ về việc ban hành đề án tiếp nhận và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán và tổ chức triển khai đề án này trong cả nước.

Đề án nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tạo các điều kiện cho các nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống; khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân... góp phần đảm bảo mọi đối tượng bị mua bán khi trở về đều có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng.

Đề án bao gồm hai tiểu đề án "Tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân," "Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về." Tổng kinh phí của đề án là 80 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013-2015.

Các chỉ tiêu cụ thể của đề án gồm đạt được 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục để xác minh, xác định nạn nhân theo quy định của pháp luật. 100% nạn nhân có nhu cầu được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. 100% các trường hợp sau khi xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Đến năm 2015, có ít nhất ba cơ sở hỗ trợ nạn nhân do các tổ chức, cá nhân Việt Nam được cấp giấy phép thành lập tham gia vào công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đến năm 2015, có ít nhất 15 tỉnh, thành phố thuộc các tỉnh chỉ đạo điểm của chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người được đảm bảo về cơ sở vật chất, nguồn lực cho công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.

Tại buổi công bố, các đại biểu cũng thảo luận và đề xuất các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để khi triển khai thực hiện đạt hiệu quả sớm nhất. Các giải pháp tập trung thực hiện đề án là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đa dạng hóa việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính để thực hiện đề án; thực hiện đồng bộ các giải pháp, xã hội hóa trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về dựa vào cộng đồng; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với việc thực hiện các đề án khác của chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 và với các chương trình kinh tế-xã hội khác như phòng, chống tệ nạn xã hội; dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo, việc làm.

Sau năm năm thực hiện đề án ba theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2004 và tháng 11/2005, công tác tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về giai đoạn 2005-2010 đã đạt được một số kết quả nhất định trong các mặt công tác xây dựng văn bản pháp luật; xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán. Tuy nhiên, công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định.

Thực tế, có hơn 60% nạn nhân bị mua bán tự trở về qua con đường tiểu ngạch, không xuất trình thủ tục xuất nhập cảnh nên hầu hết các nạn nhân tự trở về ở các tỉnh, thành phố chưa được xác định là nạn nhân. Nhiều nạn nhân tự trở về không có giấy tờ pháp lý, không ở lại địa phương mà đi nơi khác làm ăn; hoặc nhiều người chỉ biết mình là nạn nhân khi họ bị mua bán qua biên giới.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho họ chưa kịp thời. Công tác tư vấn tâm lý ban đầu, đánh giá nhu cầu, tìm hiểu rõ hoàn cảnh, nhân thân của nạn nhân trong các cơ sở tiếp nhận ban đầu và cơ sở hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế, vì vậy việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân chưa bền vững. Từ thực tiễn trên, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết để giải quyết căn cơ các vấn đề tồn tại./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục