Hàng công nghiệp nông thôn tìm chỗ đứng ở nội địa

Nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn chất lượng cao, giá hợp lý nhưng không dễ tìm mua do nhà sản xuất và nhà phân phối chưa có liên kết.
Sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại khu vực miền Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết trên thực tế, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn không dễ dàng tìm mua được tại các chợ truyền thống và siêu thị hiện đại do nhà sản xuất và nhà phân phối chưa xây dựng được các mối liên kết, hợp tác.

Vì vậy, mục đích của các hội nghị chắp nối chính là xây dựng các liên kết, kết nối thực sự để sản phẩm công nghiệp nông thôn có được thị trường thực sự, chỗ đứng thực sự tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là nơi để Bộ Công Thương lắng nghe các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối kiến nghị cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Theo bà Thoa, Bộ Công Thương đã có kế hoạch đưa 76 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của miền Bắc, 50 sản phẩm của miền Trung và 71 sản phẩm của miền Nam vào các siêu thị hiện đại và chợ truyền thống để người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn với các sản phẩm chất lượng cao đã được bình chọn.

Một trong những nhà phân phối hàng hóa sản phẩm lớn trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long lại khẳng định để các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hay các đặc sản vùng miền vào được các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị Big C, các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm và nhất là điều kiện giá cả thương mại đảm bảo sự hấp dẫn với người tiêu dùng Việt Nam.

Trong khi đó, thực tế làm việc với các nhà sản xuất ở địa phương, công ty lại gặp những khó khăn do phần lớn các nhà sản xuất là nông dân, hợp tác xã thường chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm hàng hóa đã có uy tín với người tiêu dùng mà không quan tâm nhiều đến tầm quan trọng của việc áp dụng các kiến thức về marketing, kinh tế hàng hóa hay phát triển bao gói sản phẩm vào quá trình sản xuất.

Vì vậy, Big C đang có kế hoạch hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức cho các nhà sản xuất như vậy về tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm và nhất là kiến thức về marketing để các sản phẩm địa phương đến được nhiều hơn và dễ dàng hơn với người tiêu dùng hiện đại.

Theo tổng kết của Công ty nghiên cứu thị trường FATA, hiện có khoảng 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong hệ thống siêu thị của nhiều doanh nghiệp trong nước như Big C, Saigon Coop, Vinatex mart, hàng hóa sản xuất trong nước luôn chiếm tỷ trọng áp đảo từ 80-90%.

Theo kiến nghị của một số đại biểu, “Hội nghị chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại” cần đi vào thực chất hơn bằng việc tạo điều kiện cho nhà phân phối trực tiếp gặp gỡ với các nhà sản xuất địa phương; qua đó hai bên sẽ có sự trao đổi, đàm phán cụ thể.

Hội nghị kết nối cung cầu do Bộ Công Thương đề xuất là chủ trương đúng đắn và được tổ chức tại cả ba vùng miền.

Tiếp sau các hội nghị này, sở công thương ở các tỉnh, thành sẽ tiếp tục chủ trì các hội nghị kết nối các nhà sản xuất tại địa phương với các doanh nghiệp phân phối.

Tuy nhiên, dù hội nghị ở cấp trung ương hay địa phương thì cũng cần phải đi vào thực chất, tránh tình trạng hội nghị kết nối chỉ chủ yếu dành cho các vụ chức năng, cơ quan quản lý đọc báo cáo tổng kết, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm theo cách một chiều sẽ không mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục