Xây dựng văn hóa giao thông để giảm thiểu tai nạn

Xây dựng văn hóa giao thông trở nên bức thiết khi mỗi năm Việt Nam có hàng chục nghìn người chết, bị thương do tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2010, cả nước đã xảy ra hơn 14.400 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 22.000 người chết và bị thương.

Trước thực trạng đó, vấn đề xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng ngày càng trở nên bức thiết. Vấn đề này đã được các đại biểu đưa ra trong Hội thảo quốc gia về văn hóa giao thông, do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/1.

Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết, tai nạn giao thông đang là quốc nạn, là mối hiểm họa đối với toàn cộng đồng xã hội. Để hạn chế tình trạng này, ngoài các biện pháp cứng của Nhà nước còn cần có sự tham gia của cộng đồng, hệ thống thông tin đại chúng.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam cho rằng, để xây dựng văn hóa giao thông cần tập trung vào ba khâu then chốt gồm hạ tầng kỹ thuật giao thông đóng vai trò vật chất, khâu thực thi pháp luật giao thông đóng vai trò quyết định và khâu chấp hành luật giao thông đóng vai trò biểu hiện văn hóa giao thông.

Theo Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, đơn vị thực hiện Dự án văn hóa giao thông, trong giai đoạn 2010-2015, dự án sẽ tập trung vào hai nội dung cơ bản là tuyên truyền phổ biến về an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện văn học nghệ thuật nhằm giáo dục các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong cộng đồng; xây dựng ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, thái độ ứng xử văn hóa của con người khi tham gia giao thông.

Tại hội thảo, vấn đề giáo dục, tuyên tuyền nhằm xây dựng ý thức văn hóa giao thông trong điều kiện hiện nay của Việt Nam cũng được nhiều đại biểu đề cập, nhấn mạnh. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn cho rằng, điều cần làm ngay là đưa giáo dục pháp luật với ý thức giao thông vào trường học, coi đây là một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục công dân.

Cần xây dựng mô hình đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật có tác dụng thiết thực xây dựng văn hóa giao thông.

Nhiều đại biểu cho rằng, phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, khu dân cư, trường học, ngay từ những đứa trẻ mới biết đi chập chững, đồng thời cũng rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội.

Bên cạnh đó cũng cần phải quan tâm xây dựng văn hóa giao thông ở nông thôn và miền núi để giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu được luật lệ giao thông và ứng xử có văn hóa trong khi đi đường, nhất là khi đi qua các vùng đô thị./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục