Bên bờ vực suy thoái

Kinh tế toàn cầu đang đứng bên bờ vực suy thoái

Các chuyên gia kinh tế đang cảnh báo những đám mây đen xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên bầu trời của các nền kinh tế.
Ngày 8/2, tại phiên đối thoại về tình hình kinh tế tài chính toàn cầu trong khuôn khổ Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), các chuyên gia kinh tế cảnh báo những đám mây đen đã xuất hiện trên bầu trời của các nền kinh tế đang phát triển.

Giám đốc chính sách phát triển của Vụ Kinh tế xã hội Liên hợp quốc Robert Vos nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đứng bên bờ vực một cuộc suy thoái mới với tăng trưởng đã giảm mạnh trong năm 2011 và xu thế này vẫn tiếp tục tới năm 2013.

Nhiều nhà kinh tế thế giới từng hy vọng các nền kinh tế đang phát triển đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và có thể là động lực của nền kinh tế thế giới, nhưng hiện tại chính các nền kinh tế này sẽ suy thoái đáng kể trong năm 2012 so với nhịp độ phục hồi kinh tế đã chậm lại trong năm 2010 và 2011.

Chủ tịch ECOSOC Miloš Koterec cảnh báo những nhân tố dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 nay lại xuất hiện đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy suy thoái mới với tăng trưởng giảm từ 4% năm 2010 xuống 2,8% năm 2011, đẩy từ 47-84 triệu người trên thế giới rơi trở lại nghèo khổ. Thất nghiệp kéo dài đã tác động đến triển vọng tăng trưởng trung hạn do ảnh hưởng đến thu nhập và kỹ năng của người lao động.

Giáo sư Peter Diamond của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ và là chủ nhân Giải Nobel Kinh tế năm 2010 nhấn mạnh hiểm họa do những căng thẳng đè nặng nền kinh tế toàn cầu gắn kết với các biện pháp kinh tế khắc khổ và khủng hoảng nợ, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng và chi tiêu tiêu dùng thấp.

Ông Peter Diamond kêu gọi nỗ lực duy trì các nhu cầu cũng như nhịp độ sản xuất trong nền kinh tế thế giới, đặc biệt là giải quyết nhanh nạn thất nghiệp, nhất là thất nghiệp trong thanh niên vì không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai nếu những chủ nhân của nền kinh tế này không sớm có được những kỹ năng lao động cần thiết.

Các nhà kinh tế Liên hợp quốc và quốc tế nhất trí cho rằng do những hạt giống khủng hoảng thường được gieo mầm và phát triển trong những năm bùng nổ của dòng vốn nước ngoài nên các nền kinh tế đang phát triển đang đứng trước thách thức bong bóng từ dòng vốn đầy hiểm họa.

Các nền kinh tế phát triển đang đứng trước các thách thức nghiêm trọng từ nợ công cao, tăng trưởng trì trệ, thất nghiệp cao, chính sách tiền tệ không hiệu quả. Trong bối cảnh này, cộng đồng thế giới cần thúc đẩy chiến lược tăng trưởng cân bằng và phổ quát để vượt qua những thách thức hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục