Vật lộn tìm việc làm

Lao động trẻ mất 6 năm để tìm kiếm việc ổn định

Thanh niên Việt Nam tuổi từ 15-29 đang trong quá trình tìm việc phải mất trung bình 6 năm để vật lộn tìm kiếm công việc ổn định.
Thanh niên Việt Nam độ tuổi từ 15-29 và đang trong quá trình tìm việc phải mất trung bình 6 năm để vật lộn tìm kiếm một công việc ổn định hoặc làm họ hài lòng.

[50% số người thất nghiệp tại Việt Nam là thanh niên]

Đây là những kết quả ban đầu của điều tra quốc gia “Chuyển tiếp từ trường học tới việc làm” do Tổ chức Lao động Quốc tế  (ILO) tiến hành đầu năm 2013 vừa được công bố.

Cuộc điều tra cho thấy, phần lớn thanh niên Việt Nam (59%) đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp từ học tập sang thị trường lao động, tìm được công việc ổn định hoặc việc làm tạm thời mong muốn hoặc tự tạo việc làm. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 23% các bạn trẻ chưa bắt đầu quá trình chuyển tiếp, chủ yếu vì họ vẫn đang đi học.

Trong số các thanh niên đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp, 50% đã tìm được việc làm ổn định, trong khi đó, số còn lại phải trải qua những công việc tạm thời mà không hài lòng hoặc làm việc không lương cho gia đình trước khi có thể tìm được việc làm tốt hơn. Theo kết quả điều tra trên toàn quốc, cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời).

Điều tra khoảng thời gian từ khi thanh niên rời trường học đến khi có được công việc ổn định (việc làm có thời gian hợp đồng trên 12 tháng) cho thấy, xuất hiện tình trạng trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu công việc. Cứ 10 thanh niên 15-20 tuổi lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc khiến thu nhập của họ thấp hơn mức đáng lẽ họ có thể được hưởng và họ không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng năng suất lao động của mình.
 
Cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng, một bộ phận lớn thanh niên Việt Nam phải làm những công việc năng suất thấp đang có tác động tới tiềm năng tăng trưởng của quốc gia. Đây thực sự là một mối lo ngại lớn đối với thị trường lao động trẻ Việt Nam.

Theo Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki, thanh niên Việt Nam cần được hỗ trợ để có một quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động thuận lợi hơn. Điều này đồng thời sẽ giúp đất nước “giải phóng tối đa tiềm năng của thanh niên”.

Theo ông Gyorgy Sziraczki, mối liên hệ giữa giáo dục đào tạo, tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa nền kinh tế và việc tạo thêm việc làm tốt tại Việt Nam cần được đẩy mạnh. Những chính sách  hướng nghiệp, tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm có thể giúp quá trình chuyển tiếp từ trường học tới thị trường lao động trở nên thuận lợi hơn. Trong khi đó, hiện nay, theo những kết quả ban đầu của cuộc điều tra cho thấy, phương pháp tìm việc phổ biến nhất của các bạn trẻ là “hỏi bạn bè, người thân và những người có kinh nghiệm”.
 
“Việt Nam có một nguồn lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng cũng sẽ sớm qua thời đỉnh cao của họ. Nếu không tận dụng được cơ hội, Việt Nam sẽ phải chịu những tổn thất về dài hạn,” ông Sziraczki nói.
 
Toàn bộ kết quả của điều tra "Chuyển tiếp từ trường học đến việc làm" Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào quý III/2013. Cuộc điều tra nhằm mục đích tìm hiểu những đặc tính và thách thức cụ thể của việc làm thanh niên để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách thiết kế các công cụ hữu hiệu giúp quá trình chuyển tiếp này thuận lợi hơn./.
Điều tra "Chuyển tiếp từ trường học đến việc làm" là một phần của dự án Việc làm cho Thanh niên (Work4Youth) thuộc khuôn khổ hợp tác giữa  giữa Chương trình Việc làm Thanh niên của ILO và Quỹ MasterCard. Dự án này trị giá 14,6 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm (2013-2016). Mục đích của cuộc điều tra là tăng cường công tác thu thập và sản xuất thông tin thị trường lao động dành riêng cho thanh niên và giúp các nhà hoạch định chính sách sử dụng và phân tích số liệu thống kê.

Việt Nam là một trong số 28 quốc gia thực hiện điều tra này. Theo kế hoạch, cuộc điều tra lần thứ hai sẽ được thực hiện vào năm 2014./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục