Đồng USD chi phối thị trường năng lượng châu Á

Đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ đắt đỏ hơn đối với những người đang giữ trong tay các tiền tệ khác, nhu cầu dầu co lại và đẩy giá xuống.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 12/8 tại Singapore, giá dầu giảm trong bối cảnh đồng USD mạnh, khi thị trường vẫn còn lo ngại về tình trạng sa sút của kinh tế Mỹ và núi nợ công ở châu Âu.

Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu sẽ "chạy theo" những diễn biến trên thị trường tài chính và thể trạng kinh tế toàn cầu.

Giá dầu thô ngọt nhẹ New York giao tháng 9/2011 giảm 1,03 USD xuống 84,69 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 57 cent xuống 107,45 USD/thùng.

Đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ - mặt hàng được giao dịch bằng đồng tiền này - trở nên đắt đỏ hơn đối với những người đang giữ trong tay các tiền tệ khác, khiến nhu cầu dầu co lại và đẩy giá xuống.

Ông Victor Shum, chuyên gia phân tích thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz (có trụ sở tại Singapore) nhận định dầu mỏ không chỉ chịu sức ép từ phía đồng USD mạnh mà còn bởi những biến động trên các thị trường khác. Theo chuyên gia này, đường đi của giá dầu phụ thuộc phần lớn vào những tin nóng kinh tế có sức chi phối nhà đầu tư.

Trong khi đó, tại thị trường New York phiên 11/8, giá dầu biến động mạnh trước khi "ăn theo" sắc xanh trên các sàn chứng khoán. Cụ thể, giá dầu thô New York giao tháng 9/2011 và dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ đóng cửa phiên 11/8 với mức tăng lần lượt 2,83 USD/thùng và 1,34 USD/thùng, đạt tương ứng 85,72 USD/thùng và 108,02 USD/thùng. Trong phiên này, đã có lúc giá dầu New York rớt xuống 81,03 USD/thùng.

Giá dầu thô New York hiện tương đương mức hồi tháng 2/2011 và ngày một rời xa mức 100 USD/thùng lập hồi tháng 7/2011, trong bối cảnh thị trường ngày một lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu và sức tăng trưởng èo uột của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu cũng thoát được mức đáy 75 USD/thùng lập hồi đầu tuần, bám theo sự trồi sụt của các sàn chứng khoán và tâm trạng "thất thường" của nhà đầu tư.

Thị trường năng lượng đang chờ đợi Mỹ công bố thống kê về doanh số bán lẻ và chỉ số lòng tin tiêu dùng để tìm kiếm định hướng. Trong một thông tin có liên quan, Bộ Lao động Mỹ cho biết, lần đầu tiên trong bốn tháng qua, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này giảm - một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang dần cải thiện./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục