Châu Phi bất đồng về vấn đề buôn bán ngà voi

Các nước châu Phi kêu gọi bác đề nghị của Tanzania và Zambia về việc mở đợt bán ngà voi hợp pháp mới nhằm bảo vệ đàn voi thế giới.
Sau khi ký gia hạn cấm mọi hình thức buôn bán ngà voi đến tận năm 2018 vào năm 2007, các nước châu Phi đã không định đề cập đến việc buôn bán ngà voi tại kỳ họp về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng quốc tế (Cites) diễn ra từ ngày 15 đến 25/3 tại Doha, Quatar.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2009, Tanzania và Zambia đã khơi lại vấn đề này, khi hai nước này yêu cầu được bán ra thị trường 90 tấn ngà voi đối với Tanzania và 21,6 tấn với Zambia.

Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Du lịch Tanzania, bà Shamsa Mwangunga, nói: "Kho của chúng tôi ở Dar es-Salaam đã đầy, chúng tôi cần phải giải phóng một phần để có thể nhập số lượng mới" đồng thời cho biết, sẽ thu được 8 triệu euro từ việc bán ngà voi để phục vụ hoạt động chống săn bắn trái phép.

Trong khi đó, Bộ trưởng Rừng và Hệ động vật Kenya Noah Wekesa, người đứng đầu liên minh 23 nước châu Phi phản đối yêu cầu trên, nhấn mạnh: "Bán ngà voi dù hợp pháp, thì cũng là giết voi và điều này góp phần cho việc khôi phục thị trường buôn bán, tạo thuận lợi cho việc săn bắn trái phép trong khu vực."

Theo Quỹ bảo vệ động vật quốc tế (IFAW), các hành động săn bắn trái phép đã tăng lên từ năm 2008 tại Tây Phi và Trung Phi. Chỉ riêng năm 2009, 232 con voi đã bị giết tại Kenya.

Jason Bell-Leask, Giám đốc của IFAW tại khu vực Nam Phi cho rằng, tình hình hiện nay là không thể kiểm soát được và cần phải tôn trọng việc gia hạn cấm bán ngà voi dưới mọi hình thức.

Ban thư ký của Cites đã yêu cầu 175 nước thành viên bác bỏ yêu cầu của Tanzania, vì họ có quá ít nỗ lực về chống lại nạn săn bắn trái phép. 43% số lượng ngà voi mà họ yêu cầu được bán có nguồn gốc không rõ ràng. Tuy nhiên, ban thư ký Cites lại đưa ra ý kiến thiên về chấp thuận cho Zambia được bán ngà voi.

Kỳ họp của Cites diễn ra tại Doha, Quatar nhằm xem xét 42 đề xuất ghi tên những loài mới vào danh mục những động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, với sự tham gia của 1.500 đại biểu đến từ 150 nước trên thế giới, các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học./.
Thanh Bình/ Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục