"VN tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN"

"Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình kết nối, vì lợi ích của các quốc gia"
Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình kết nối, vì lợi ích của các quốc gia, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong khu vực ASEAN.

Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo "Hội nhập ASEAN - Tăng cường kết nối," được tổ chức chiều 5/5 tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo ông Lê Hoài Trung, tiến trình kết nối ASEAN cần có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau gồm Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, và cả các cơ chế hợp tác đa phương... nhằm giải quyết các vấn đề thiết thân của khu vực và toàn cầu như bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, kiềm chế lạm phát.

Chính vì vậy, hội thảo này đã thu hút sự tham gia của đại diện nhiều thành phần, nhiều giới khác nhau, và tập trung thảo luận về nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đã được thông qua tại Hà Nội; tăng cường kết nối mạng lưới giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; phòng ngừa thảm họa thiên tai, giảm thiểu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Với việc tổ chức hội thảo này, ADB mong muốn thu hút nhiều đối tác khác nhau cùng tham gia hỗ trợ, thúc đẩy quá trình kết nối khu vực.

Về vai trò hỗ trợ của ADB đối với quá trình kết nối khu vực, ông Lê Hoài Trung cho rằng ADB không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn, mà cả kinh nghiệm, tri thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đã được kiểm nghiệm trên thực tế.

Tuy nhiên, động lực thúc đẩy tiến trình kết nối khu vực xuất phát từ lợi ích của chính các quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Việt Nam cũng vậy, coi trọng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó đó có ADB, nhưng nội lực là hết sức quan trọng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả, các doanh nhân đến từ các nước trong khu vực đã thảo luận về những vấn đề đang đặt ra và sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực; đồng thời đề xuất các chiến lược hành động nhằm tăng cường kết nối, phát triển kinh tế toàn diện hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển và mang lại lợi ích cho người dân.

Các đại biểu cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam đối với tiến trình hội nhập ASEAN, đặc biệt là những nỗ lực trong thực hiện các cam kết chung của ASEAN về thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng (giao thông, điện), cũng như trong công tác điều phối chung của ASEAN.

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB, cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra các hội thảo chuyên đề "Các nhà đầu tư châu Á: Tác nhân tạo nên sự thay đổi"; "Vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực: Thương mại và cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia."

Tại hội thảo "Các nhà đầu tư châu Á: Tác nhân của sự thay đổi," ông Sharma, Chủ tịch Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's cho rằng mặc dù đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong việc phát triển các thị trường vốn, nhưng châu Á vẫn tiếp tục cần những bước tiến dài hơn nữa để hiện thực hóa các tiềm năng của mình.

Theo ước tính của Standard & Poor's, từ nay đến hết năm 2015, khu vực tư nhân và khu vực công trên toàn cầu sẽ cần khoảng 70.000 tỷ USD từ nguồn phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Trong đó nhu cầu vốn ở khu vực châu Á sẽ tăng rất mạnh do các chính phủ tại khu vực sẽ thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới (khoảng 750 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm tới cho nhu cầu phát triển hạ tầng).

Tuy nhiên, thị trường vốn châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của các thị trường tín dụng vốn rất tiềm năng ở khu vực. Khi khung luật pháp rõ ràng và kiểm soát rủi ro tốt thì hệ thống thị trường vốn ở khu vực sẽ phát triển bền vững.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây là minh chứng rõ ràng về nhu cầu tái cân bằng giữa nguồn lực tăng trưởng với tiết kiệm và đầu tư toàn cầu, trong đó bao gồm khu vực châu Á.

Khu vực châu Á đang phải đối mặt với một nghịch lý là tiết kiệm cao trong khi nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn và một phần trong bài toán tái cân bằng đó chính là sự cần thiết thực hiện các chính sách nhằm từng bước thay đổi các nguồn lực tăng trưởng từ chỗ xuất khẩu là chủ yếu sang đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực; chuyển đổi tốt hơn từ tiết kiệm sang tiêu dùng và đầu tư, bao gồm cả đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng đầy ấn tượng đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận về giảm nghèo và hạn chế sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Quá trình đó gắn liền với sự tăng tốc hội nhập khu vực để mở ra các cơ hội thị trường mới, bao gồm sự kết nối về giao thông, năng lượng và các ngành công nghiệp nặng khác, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và các dịch vụ liên quan, phát triển và hội nhập thị trường tài chính, vốn, hài hòa hóa khung pháp lý, liên kết thị trường chứng khoán, thanh toán và hệ thống thanh toán...

Tại hội thảo "Vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực: Thương mại và cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia," các diễn giả cho rằng khu vực công và khu vực tư cần tăng cường hợp tác trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính tốt hơn, liên kết thương mại chặt chẽ hơn, nhằm thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, đồng đều và dài hạn.

Xét về tổng thể, nền kinh tế châu Á đang có tốc độ phát triển nhanh chóng với 9% năm 2010, 7,8% năm 2011 và 7,7% năm 2012, nhưng khu vực này vẫn còn gần 2 tỷ người sống với mức dưới 2 USD/ngày.

Khi Chính phủ và các ngân hàng phát triển không thể cung cấp vốn cho tất cả nhu cầu đầu tư cần thiết trong khu vực, thì sự tham gia của khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. Sự bảo lãnh, quan hệ đối tác công-tư và những công cụ giảm thiểu rủi ro sẽ giúp huy động nguồn vốn tiềm tàng từ khu vực tư nhân. Chính sách và khuôn khổ phù hợp cũng như những cơ hội, là chìa khóa để thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực.

Nhân dịp này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng UniCredit S.p.A (Italy) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện, nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giới thiệu khách hàng cho nhau, qua đó mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, tạo ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai./.

Sự-Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục