Viện Bạch Mai lên tiếng vụ truyền nhầm máu

Bệnh viện Bạch Mai lên tiếng vụ truyền nhầm máu cho sản phụ

Sáng 6/11, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khẳng định không có chuyện truyền nhầm máu cho sản phụ Loan tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.

Trước nhiều thông tin về việc nghi vấn truyền nhầm nhóm máu cho một sản phụ, ngày 6/11, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khẳng định không có chuyện truyền nhầm máu cho sản phụ Loan tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.

Tối 21/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan được mổ lấy thai tại Bệnh viện Sơn Tây, nhưng sau đó bị băng huyết. Bệnh viện đã truyền 16 bịch máu nhóm B và tiếp tục chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.


Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, kết quả định nhóm máu của bệnh nhân lại là AB, nên chị Loan được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai nghi ngờ do truyền nhầm máu.

Tiến sỹ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại thời điểm Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, kết quả định nhóm máu của sản phụ là AB (với các phương pháp thông thường).

Tuy nhiên khi làm các xét nghiệm sâu hơn nữa thì nhóm máu của bệnh nhân là B.

Theo bác sỹ Hùng, kết quả định nhóm máu tại thời điểm đó của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không sai và kết quả của Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cũng không sai.

Lý giải về kết quả khác nhau của hai bệnh viện này, tiến sỹ Hùng cho biết, bệnh nhân mất gần 1 lít máu, mất đến 1/3 lượng máu của cơ thể một người bình thường nên phải truyền máu để bù. Về nguyên tắc, để hạn chế nguy cơ truyền máu thì hiện nay người ta tách riêng hồng cầu và huyết tương, chỉ truyền hồng cầu.

Tuy nhiên, khi đó sản phụ Loan mất máu quá nhiều, trong khi đó Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là bệnh viện khu vực, lượng máu dự trữ không nhiều, chỉ có 2-3 túi. Bệnh viện đã truyền hết số máu này nhưng tình trạng thiếu máu vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

“Không để bệnh nhân tử vong, nên Bệnh viện Sơn Tây huy động máu của người nhà và của Bệnh viện 105. Vì không có thời gian đợi chiết tách hồng cầu, nên Bệnh viện buộc phải truyền máu toàn phần, có cả huyết tương.

Tổng lượng máu sản phụ Loan được truyền là hơn 5 lít (máu nhóm B), trong khi đó một người bình thường chỉ có 3,5-4 lít máu”, tiến sỹ Hùng cho hay.

Bác sỹ Hùng phân tích, khả năng thứ nhất là việc định máu tại thời điểm đó không còn chính xác nữa vì bệnh nhân này được truyền máu quá nhiều, thay hơn một lần máu cộng thêm việc truyền cả huyết tương (có nhiều thành phần).

Thứ hai, trong y văn cũng ghi có khả năng nữa (dù tỷ lệ thấp) là có thể con máu nhóm A, mẹ máu nhóm B; trong khi chuyển dạ, 1 lượng máu con (10-20ml) vào cơ thể mẹ nên xuất hiện AB. 

Kết quả định lại các túi máu phát ra để truyền do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương làm cũng đều là nhóm máu B./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục