Tàu cá nằm trên ruộng lúa

Quảng Ngãi: Tàu cá nằm kêu cứu trên... ruộng lúa

Thay vì lướt sóng ra khơi bám biển thì đến bây giờ nhiều chiếc tàu đánh cá phải thúc thủ trong bờ vì chủ nhân của nó không thể sửa chữa.
Bão số 9 năm 2009 với những thiệt hại thảm khốc do nó gây ra cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã lùi khá xa.

Thế nhưng đến thời điểm này trong đời sống của hàng chục hộ gia đình ngư dân ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn còn vô vàn khó khăn.

Thay vì lướt sóng ra khơi bám biển thì đến bây giờ nhiều chiếc tàu phải thúc thủ trong bờ vì chủ nhân của nó không còn đủ sức để đầu tư sửa chữa.

Riêng chiếc tàu mang số hiệu QNg 95861 TS của anh Nguyễn Tấn Sơn bị bão lũ đưa lên nằm trên... ruộng lúa, cách bờ biển khoảng 5km, nay đã trở thành điểm nghỉ mát cho người dân làm ruộng.

Miếng khi đói

Theo ông Phù Trung Anh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Sơn, ngày 6/10/2009 Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra Quyết định số 1570/QĐ-UBND "Về việc điều chỉnh, bổ sung quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 9/10/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dân sinh và cơ chế khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai gây ra."

Theo quyết định này, hộ gia đình ngư dân nào có tàu thuyền công suất dưới 30CV bị thiệt hại từ 60% trở lên, hoặc bị mất tích do thiên tai gây ra thì được hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng.

Tương tự, tàu thuyền có công suất từ 30CV đến 45CV có mức hỗ trợ 30 không quá triệu đồng; công suất trên 45CV đến 90CV có mức hỗ trợ 50 triệu đồng; công suất trên 90CV đến 150CV có mức hỗ trợ 70 triệu đồng; công suất trên 150CV đến dưới 300CV có mức hỗ trợ 90 triệu đồng, công suất trên 300CV có mức hỗ trợ không quá 110 triệu đồng.

Ông Phù Trung Anh cho biết thêm, từ con số ban đầu là 251 chiếc tàu thuyền bị bão số 9 gây hư hỏng với số tiền cần được hỗ trợ là 11 tỷ đồng nhưng "chiểu" theo Quyết định số 1570/QĐ-UBND trên, toàn huyện Bình Sơn chỉ có 89 tàu thuyền được hưởng hỗ trợ với số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Số tiền trên đã được các địa phương ven biển huyện Bình Sơn trao cho các hộ ngư dân có phương tiện bị hư hỏng. Theo đó, hộ nhận nhiều nhất là 55 triệu đồng, hộ ít nhất gần 4 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng đã kịp thời giúp cho hàng trăm hộ gia đình bớt khó khăn trong việc sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ tiếp tục ra khơi bám biển.

Quá cứng nhắc...

Ngoài mức hỗ trợ cho từng loại tàu thuyền có công suất lớn nhỏ khác nhau, Quyết định 1570 quy định rõ "Mức hỗ trợ này chỉ thực hiện cho những tàu thuyền có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thác thủy sản và chấp hành tốt các quy định về phòng chống lụt bão, được chính quyền địa phương và Đồn biên phòng sở tại xác nhận."

Ông Phù Trung Anh cho biết, vì "vướng" ở khâu này nên đến nay có 22 tàu đánh cá của ngư dân huyện Bình Sơn không được nhận tiền hỗ trợ do "Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn," "Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong thời gian xảy ra tai nạn" hoặc "Chưa đăng ký."

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, lý do khiến những chiếc tàu đánh cá nói trên không được nhận tiền hỗ trợ như trên là quá cứng nhắc, bởi thiên tai thì có thể tàn phá tất cả những "vật cản" trên đường đi của nó vào bất kỳ lúc nào.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đến nhà anh Nguyễn Tấn Sơn ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh gặp lúc vợ anh chị Bùi Thị Nga vừa đi vay tiền ở nhà ngoại về để mua thuốc cho con. Chị Nga mếu máo: Thấy chồng tôi không có việc làm đã 7 tháng nay, gia cảnh nheo nhóc, anh Huỳnh Dần - một chủ tàu ở cùng thôn thương tình đã kêu đi làm công cho anh, hiện giờ chồng tôi đang đánh bắt hải sản ở đảo Cát Bà (Hải Phòng). Từ một chủ tàu, bỗng chốc chồng tôi trở thành người làm thuê.

Chị Nga cho biết, vào đêm mưa bão hãi hùng đó, chiếc tàu có công suất 150 CV cùng toàn bộ ngư lưới cụ trị giá hơn 1,2 tỷ đồng của gia đình chị hạ thủy hồi cuối năm 2004 đang neo đậu tại cảng Sa Cần bị bão thổi mất tăm. Sáng ra, khi mưa bão đã giảm bớt, cả nhà bổ đi tìm. Cứ tưởng con tàu bị sóng đánh chìm ở đâu đó gần cửa biển Sa Cần (xã Bình Chánh) nhưng sau hai ngày gia đình chị mới được bà con cho biết chiếc tàu đã bị sóng biển cuốn vào đất liền đến gần 5km, nằm sóng soài trên cánh đồng Đồng Min thuộc xã Bình Dương. May mắn là con tàu không bị hư hỏng, nó nằm trên ruộng lúa mà trông giống như nó đã từng neo trong cửa biển Sa Cần ngày nào vậy.

Để cứu lấy con tàu, chị Nga cho biết chồng chị đã dạm hỏi những nơi làm dịch vụ kéo, hạ thủy tàu, họ cho biết chi phí để đưa con tàu trở về nơi neo đậu thường ngày của nó phải mất gần 200 triệu đồng. Số tiền này nằm ngoài khả năng của gia đình chị.

Anh Nguyễn Hữu Đoàn, người có ít vốn góp vào đóng mới con tàu với gia đình anh Nguyễn Tấn Sơn cho biết anh và anh Sơn đã nhiều lần làm đơn để được hưởng tiền hỗ trợ theo Quyết định số 1570 nhưng không được chấp nhận vì "Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn."

Được cơ quan bảo hiểm tạm ứng cho 40 triệu đồng, anh đã đến Ngân hàng xin vay thêm một số tiền nữa để đủ chi phí kéo tàu xuống nước nhưng ngân hàng từ chối vì nợ cũ chưa trả xong.

Anh Đoàn đề nghị: "Bây giờ nếu không còn có cơ hội được nhận tiền hỗ trợ, chúng tôi xin được vay tiền Ngân hàng với lãi suất thấp để cứu lấy con tàu - tài sản duy nhất, đồng thời là chiếc cần câu cơm của mười mấy hộ gia đình vốn đi làm công cho chúng tôi."

Sau hơn 7 tháng dầm mưa dãi nắng, trên cánh đồng Đồng Min, chiếc tàu của anh Nguyễn Tấn Sơn đang "ngự" giữa ruộng lúa đã bắt đầu thể hiện rõ sự xuống cấp. Gia đình anh Sơn và bà con ở đây mong các ngành chức năng có biện pháp giúp đỡ để đưa con tàu trở về đúng với vị trí và chức năng của nó./.

Đoàn Hữu Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục