Lối thoát nào cho cuộc chiến đẫm máu ở Afghanistan?

Tám năm sau ngày Mỹ chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố, chiến trường Afghanistan vẫn chìm trong khói lửa, Kabul vẫn là trọng điểm của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Washington và liên quân. Thế giới đang thấy một Afghanistan nghèo nàn với nạn tham nhũng tràn lan, một Afghanistan bị chia năm xẻ bảy bởi xung đột sắc tộc, một Afghanistan đẫm máu bởi các cuộc giao tranh.
Tám năm về trước, ngày 7/10/2001, Mỹ chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với điểm mở màn là cuộc tấn công vào Afghanistan nhằm tiêu diệt mạng lưới Al-Qaeda, được coi là thủ phạm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ ngày 11/9.

Tám năm sau, chiến trường Afghanistan vẫn chìm trong khói lửa, kẻ thù vẫn chưa bị tiêu diệt, Kabul vẫn là trọng điểm của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Washington và liên quân.

Chưa thể có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi "Cuộc chiến ở Afghanistan sẽ đi về đâu?", song dư luận hiểu rõ những gì đang diễn ra tại quốc gia Nam Á này. Đó là một Afghanistan nghèo nàn với nạn tham nhũng tràn lan, bất ổn chính trị kéo dài với kết quả bầu cử tổng thống chưa ngã ngũ. Một Afghanistan bị chia năm xẻ bảy bởi xung đột sắc tộc. Và hơn hết là một Afghanistan đẫm máu bởi các cuộc giao tranh giữa Mỹ và liên quân do NATO chỉ huy với Taliban và Al-Qaeda.

Sau 8 năm, nước Mỹ vẫn chưa tìm ra lối thoát cho cuộc chiến ở Afghanistan dù Washington đã đổ vào đây rất nhiều tiền của và binh lực. Hơn 200 tỷ USD đã được chính quyền Washington chi ngay sau khi phát động cuộc chiến và hàng chục nghìn binh sĩ đã được điều tới chiến trường này.

Thế nhưng, con số thương vong của lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh đã tăng lên mức kỷ lục trong những tháng gần đây. Tổng cộng đã gần 400 binh sĩ nước ngoài thiệt mạng tại Afghanistan từ đầu năm đến nay và năm 2009 được coi là năm thương vong nhiều nhất đối với binh sĩ nước ngoài kể từ năm 2001.

Cùng với đó là dấu hiệu về sự "trỗi dậy" của lực lượng Taliban và sự bất bình ngày càng gia tăng trong dân chúng ở cả Mỹ hay Afghanistan, khiến giới tướng lĩnh Mỹ và NATO thêm bi quan về cuộc chiến này.

Dường như cuộc chiến ở Afghanistan ngày càng mang sắc thái của một cuộc chiến tranh phi thông thường do các mục tiêu, tính chất và cách thức tiến hành hoạt động quân sự ngày càng khác biệt.

Trong một báo cáo khẩn gửi Lầu Năm góc mới đây, Tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, đã cảnh báo rằng Washington có thể thua tại Kabul nếu không thay đổi chiến lược và không có thêm các hỗ trợ mới mạnh mẽ hơn trong vòng 12 tháng tới.

Rõ ràng, những gì diễn ra trên chiến trường Afghanistan thời gian qua cho thấy sách lược mà Tổng thống Mỹ Barak Obama áp dụng từ đầu năm nay sau khi ông nhậm chức đã không phát huy tác dụng. Điều đó buộc các cố vấn của ông Obama phải xem xét lại chiến lược của Washington tại quốc gia Nam Á này.

Khó khăn mà ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt hiện nay là sự mâu thuẫn trong giới hoạch định chính sách Mỹ liên quan tới việc điều chỉnh chiến lược ở Afghanistan.

Đối với ông Obama, việc rút hoàn toàn các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vào thời điểm hiện nay là không thể, song có nên tăng quân tới chiến trường này vào thời điểm hiện nay hay không theo đề nghị của một số chính trị gia bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa là cũng một lựa chọn khó khăn đối với ông.

Theo các chính trị gia này, từ bỏ Afghanistan sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận thắng lợi của lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban, hiện đang liên kết với mạng lưới Al-Qaeda của trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Thậm chí khả năng rút quân từng phần và để lực lượng còn lại tham gia huấn luyện cho quân đội và cảnh sát Afghanistan vô hình chung sẽ tạo cơ hội cho Taliban và Al-Qaeda nổi lên mạnh mẽ hơn vì còn lâu các lực lượng của Kabul mới có thể thực hiện được nhiệm vụ bảo đảm an ninh.

Vì thế, Tướng McChrystal, cho rằng điều cần thiết hiện nay là giành lại thế chủ động từ Taliban, lực lượng hiện đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ lớn ở Afghanistan, bằng cách tăng cường lực lượng chiến đấu (có thể thêm tới 40.000 quân). Hiện 65.000 quân Mỹ đang hiện diện ở Afghanistan, tăng khoảng 30.000 quân so với thời điểm này năm ngoái.

Trong khi đó, những người ủng hộ việc rút quân lập luận rằng sự hiện diện của các binh sĩ nước ngoài tại Afghanistan sẽ càng làm bất ổn gia tăng và kích động các hoạt động nổi dậy tại quốc gia Nam Á này.

Tăng thêm quân có nghĩa là tăng thêm thương vong, không chỉ của binh sĩ nước ngoài mà cả dân thường Afghanistan. Và điều đó sẽ đẩy Mỹ lún sâu hơn trong "bãi lầy Afghanistan."

"Đi cũng dở, ở không xong", tám năm trôi qua, Mỹ vẫn lúng túng trong cuộc chiến chống khủng bố. Afghanistan vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh.

Chưa rõ Tổng thống Obama sẽ đưa ra sự điều chỉnh chiến lược nào trong thời gian tới, song dường như mọi sự lựa chọn đều chưa thể cải thiện ngay lập tức bức tranh màu xám đang bao phủ quốc gia Nam Á này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục