Xử lý xe khách sai phạm

Hà Nội: Xử lý 34 xe khách nhồi nhét, nâng giá vé

Công ty Bến xe Hà Nội kiên quyết xử lý 34 trường hợp của hãng xe khách có những sai phạm trong nhồi nhét, chặt chém giá vé dịp 30/4.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bến xe Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu kiên quyết xử lý 34 trường hợp xe khách có những sai phạm về thu giá vé cao hơn quy định, không cho hành khách có vé lên xe, chở quá số khách, xuất bến không trình phơi lệnh (lệnh chuyển xe)… trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Theo báo cáo thống kê của Công ty, trong 2 ngày 26 đến 27/4, qua công tác kiểm tra và do phản ảnh của hành khách cũng như phương tiện thông tin đại chúng, các bến xe trên địa bàn thủ đô đã phát hiện được 21 trường hợp các đơn vị vận tải chở quá số khách quy định, chủ yếu rơi vào các tuyến có cự ly ngắn là Thanh Hóa và Nam Định về các huyện.

Cụ thể, vào ngày 27/4, ngày nghỉ đầu tiên của kỳ nghỉ lễ kéo dài này, Công ty đã phát hiện tới 17 trường hợp xe “nhồi nhét” hành khách; trong đó Xí nghiệp xe khách Nam có tới 4 nhà xe chạy các tuyến Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa nhưng đều chở quá số người so với quy định.

[Khách về Hà Nội "mếu" vì bị nhồi nhét và "chặt chém"]

Bên cạnh đó, các nhà xe chạy về tuyến huyện như: Cẩm Thủy, Giao Thủy, Vĩnh Lộc, Bỉm Sơn, Nho Quan…của các địa phương ở trên cũng đồng loạt lắp thêm ghế phụ, ghế nhựa và “lèn” khách trên xe.

Với những “lỗi” vi phạm của các doanh nghiệp vận tải trên, theo ông Trung, để “siết” doanh nghiệp hoạt động tuân thủ Luật lệ an toàn giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ, bến xe sẽ từ chối phục vụ 5 ngày từ 4 đến 8/5/2013.

“Cá biệt, có trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tùng Lâm biển kiểm soát 36N-4849 chở vượt số khách quy định nhiều lần nên bị bến xe từ chối phục vụ 7 ngày từ ngày 4 đến 10/5/2013,” ông Trung khẳng định.

Ngoài ra, những xe xuất bến không trình phơi lệnh (lệnh chuyển xe), ông Trung cho rằng, bến xe cũng đã nghiêm khắc xử lý vi phạm bằng hình thức đình chỉ lái xe và từ chối phục vụ trong thời hạn 1 tuần lễ.

Đề cập đến việc hành khách bị nhà xe nhồi nhét, “chặt chém” giá vé, tại báo cáo nhanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bến xe Hà Nội cũng cho thấy, trong đợt nghỉ lễ vừa qua, các bến xe đã có hơn 20 doanh nghiệp vận tải thông báo tăng giá cước và được chấp thuận. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại lớn, 6 đơn vị vận tải đã tự ý “hò hét” và “đẩy” giá vé cao hơn so với quy định khiên nhiều hành khách bức xúc về chất lượng dịch vụ vận tải.

[Giá vé xe khách trong dịp lễ tăng cao nhất tới 50%]


Cụ thể, tại Bến xe Mỹ Đình, lực lượng chức năng đã phối hợp, kiểm tra và phát hiện được 5 trường hợp các hãng xe chạy tuyến Thanh Hóa, Nghệ An không bán vé cho khách và “hét” giá vé trên đường.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Hùng Cúc có xe mang biển kiểm soát 37B – 00379 chạy tuyến Hà Nội – Vinh ở trên địa bàn Bến xe Mỹ Đình đã không làm thủ tục bán vé cho hành khách, tự động gọi khách lên xe, lấy giá vé quá quy định; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Sơn Hải có xe mang biển kiểm soát 36N – 3705 chạy tuyến Hoằng Hóa (Thanh Hóa) – Hà Nội đã vi phạm đồng thời với “lỗi” chở quá số người quy định và tự ý lấy giá vé quá quy định…

Theo ông Trung, nhằm chấn chỉnh thực trạng này trước và trong dịp nghỉ lễ, Công ty Bến xe Hà Nội đã lập các đường dây “nóng” để khi hành khách bị “bắt chẹt” thì sẽ phản ánh về thông tin doanh nghiệp để bến có phương án xử lý.

“Qua các kênh thông tin này, Công ty đã chính thức có chế tài xử lý bằng cách đình chỉ lái xe và không cho xe vào bến trong thời gian từ 1 đến 2 tuần tùy thuộc vào mức độ vi phạm của nhà xe đồng thời cũng nhằm 'cảnh báo' cho các tuyến xe khác cũng có hành vi tương tự,” ông Trung nhấn mạnh.  

Bên cạnh đó, tại Bến xe Gia Lâm đã xuất hiện 2 phương tiện của Công ty Cổ phần Vận tải hành khách Hải Hưng và Triệu Phố đã hết hạn giấy phép tuyến cố định, sổ đăng kiểm nhưng vẫn cho xe hoạt động vào bến để bắt khách và lưu thông trên đường.

“Hai đơn vị vận tải trên sẽ áp dụng hình thức xử lý bằng cách không cho xe vào xếp khách đồng thời thông báo với Thanh tra Giao thông Vận tải để xử phạt,” ông Trung cho hay.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội, vào các ngày nghỉ lễ, các doanh nghiệp vận tải thu vé sai quy định một phần cũng có lỗi của hành khách.

Lý giải điều này, ông Liên cho rằng, bến xe đã có các quầy vé, người dân vào mua thì sẽ không xảy ra tình trạng trên. "Việc khách mua vé tại điểm đỗ xe và thỏa thuận mua trực tiếp với nhà xe và có tình trạng giá tăng lên 2 – 2,5 lần như các thông tin phản ánh thì thiệt thòi đó trước hết thuộc về hành khách," ông Liên nói.

Vì vậy, ông Liên khuyến cáo, người dân đi lại muốn có chất lượng dịch vụ tốt, không bị “chèn ép” giá vé thì nên tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải là khi đi xe phải vào bến mua vé. Có như thế, hành khách sẽ được bảo vệ quyền lợi: Có chỗ ngồi, bán đúng vé, chạy đúng giờ, đúng tuyến…/.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, để kịp thời giải tỏa hành khách, ngoài lượng xe xuất bến trên các tuyến như bình thường, các bến xe đã phối hợp với các đơn vị vận tải có phương tiện hoạt động trên tuyến tăng cường xe cụ thể ngày 27/4 tăng cường 463 xe; ngày 28/4 tăng cường 306 xe; ngày 29/4 tăng cường 41 xe.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục