Nhân viên hãng gas mỏi tay vì giá cao bất thường

Sáng nay, nhân viên cửa hàng kinh doanh gas mỏi tay nhấc điện thoại vì lượng cuộc gọi tăng bất thường. Hầu hết đều là khách hàng khảo giá.
Người tiêu dùng Hà Nội lại có một buổi sáng sốt xình xịch vì thông tin giá gas nổi cơn điên tăng một hơi tới hơn 50.000 đồng mỗi bình. Tính từ đầu năm, giá gas hình như quyết không để cho những bà nội trợ thành phố có những ngày bình yên bởi đây đã là lần thứ 4 người ta phải ngước nhìn giá gas leo thang.

Theo khảo sát của phóng viên Vietnam+, phần lớn đại lý gas trên địa bàn Hà Nội đã treo mức giá mới từ sớm nay, 1/3.

Tại đại lý gas Hồng Phát, số 18 Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội), mức giá bình gas 12 kg Petrolimex đã được dán mác mới 480.000 đồng/bình, tăng 45.000 đồng so với ngày hôm qua. Thậm chí, loại Shell gas 12 kg đã vọt lên mức 490.000 đồng/bình.

Theo chủ cửa hàng này, phần lớn các loại gas tại cửa hàng đã được cập nhật giá mới, mỗi loại tăng khoảng 50.000 đồng/bình. Thậm chí, chủ cửa hàng nọ còn tiết lộ, mức giá dó đã được đại lý… hỗ trợ, nếu không, giá có thể còn cao hơn. 

Không quá “chát” như cửa hàng Hồng Phát, đại lý gas Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) báo giá loại Shell gas 12 kg ở mức gần 480.000 đồng/bình, gas Petrolimex 12kg có giá hơn 470.000 đồng/bình, bình Total gas 12 kg cũng đã chễm chệ ở ngưỡng 485.000 đồng/bình. Như thế tính ra, mức giá mà nhân viên kinh doanh ở đây quảng cáo là “mềm” nhất khu vực ấy vẫn tăng tới 52.000 đồng/bình so với cách đây vài hôm.

Một chủ cửa hàng gas trên đường Hoàng Quốc Việt cho hay, tính từ đầu năm, đây là lần tăng giá cao nhất của giá gas. Chỉ qua một ngày, giá gas bỗng trội lên tới hơn 50.000 đồng/bình đã khiến không ít nhân viên cửa hàng choáng váng vì lượng cuộc gọi tăng đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn người gọi điện đến chỉ để… khảo giá.

Theo anh Vinh, chủ cửa hàng, mức giá cao đã khiến nhiều người có tâm lý cẩn thận hơn khi mua hàng. Họ thường gọi điện tới mấy cửa hàng để xem xét một lượt rồi mới quyết định. Vì thế, chưa chắc nhiều khách hàng liên hệ đã là chuyện mừng.

“Thậm chí, có khách hàng còn gọi điện thẳng đến cửa hàng nghi nhân viên đưa hàng gian lận, lấy phí cao hơn mọi ngày,” chủ cửa hàng nọ cười khổ.

Tâm lý hoang mang ấy cũng là cảm xúc chung của không ít người tiêu dùng thành phố khi giá gas đột nhiên tăng cao sáng nay.

Chị Đinh Huyền Trang (Huỳnh Thúc Kháng) đã phải gọi điện một lúc tới 3, 4 cửa hàng rồi mới quyết định chọn nơi rút hầu bao. Cửa hàng chị vẫn gọi gas sáng nay bỗng dưng hét giá gần 500.000 đồng một bình gas 13 kg làm chị giật mình hỏi đi hỏi lại mới tin là không nghe nhầm.

Mặc dù cửa hàng nọ bảo chị, đây là giá chung, bây giờ phần lớn cửa hàng ở Hà Nội đều đã tăng giá nhưng chị Trang vẫn lo… "càng quen càng lèn cho đau." Loay hoay một hồi, quả đúng là chị cũng tìm được chỗ rẻ hơn 15.000 đồng nhưng mà cũng phải nói vã mồ hôi, cửa hàng nọ mới đồng ý vì chị là khách gọi gas lần đầu.

“Đợt giá gas tăng 2 lần liền, nhà mình đã định dùng sang bếp từ, bếp điện nhưng vài tuần sau lại thấy giá gas giảm 10.000 đồng nên thôi. Ai ngờ, sáng nay nhận được mức giá mới, có khi cũng phải đổi thật,” chị Trang phàn nàn.

Cũng mất không ít thời gian khảo giá sáng nay, chị Lê Lan Hương (Cầu Diễn) lại tỏ ra vô cùng bực bội vì vừa hôm qua, nhà bên cạnh vừa lấy gas giá cũng chỉ có 440.000 đồng. Qua một đêm, một bình gas bỗng biến thành gần nửa triệu đồng.

Điều làm chị Hương bức xúc nhất là, lần nào nhà phân phối cũng lấy lý do “chính đáng” hay “do biến động.” Thế nhưng, theo chị Hương, thông tin cụ thể về mức giá cơ sở, giá bán hay lượng hàng tồn của tháng trước, đã mua với giá thấp thì chị dù có cố tìm cũng chẳng thấy. Đem thắc mắc này hỏi đại lý thì lại càng mất công vì họ chỉ quan tâm thu lời.

“Gas là phương tiện sinh hoạt không thể thiếu, giá có tăng thì vẫn phải nhắm mắt mà rút tiền. Thế nhưng,  tăng liên tục và không có lý giải rõ ràng thì đúng là mù mờ quá sức,” chị Hương bực bội.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xác nhận việc các doanh nghiệp phân phối và đại lý đã tiến hành tăng giá bán lẻ khoảng 50.000 đồng mỗi bình gas các loại.

Tuy nhiên, theo bà Nga, Cục Quản lý giá hiện vẫn chưa nhận được văn bản đăng ký giá mới của các doanh nghiệp phân phối gas.

“Quy định hiện hành không bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký trước khi tăng giá. Việc này có thể được thực hiện song song. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá sẽ tiến hành hậu kiểm để đảm bảo doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định,” đại diện Cục quản lý giá cho biết.

Phó cục trưởng Cục quản lý giá cũng cho hay, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp có quyền tự định đoạt giá, dựa trên việc cân đối các yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, do gas là mặt hàng nhạy cảm nên phải thực hiện đăng ký và chịu sự điều tiết cũng như hỗ trợ của cơ quan để đảm bảo bình ổn thị trường./.

Diệu Linh-Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục