Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới chao đảo

Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới trong ngày 22/9 đều lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng qua.
Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới trong ngày 22/9 đều lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng qua khi các nhà đầu tư đua nhau bán tài sản do lo ngại trước không ít những dấu hiệu về khả năng kinh tế toàn cầu có thể lại rơi vào cuộc suy thoái mới.

Số liệu từ thị trường chứng khoán New York cho biết tất cả ba chỉ số lớn trên thị trường này đều mất giá khá mạnh. Trong phiên giao dịch trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 391 điểm (3,51%), xuống còn 10.733,83 điểm.

Trước đó, chỉ số đắt giá nhất này tại thị trường Mỹ có lúc giảm sâu tới 4,6% (508 điểm), chỉ còn 10.615 điểm, mức tệ hại nhất trong ba năm qua. Như vậy, trong hai tháng qua, chỉ số của 30 tập đoàn công ty danh tiếng nhất này đã mất giá tổng cộng hơn 15%. Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng mất giá 4,23%, chỉ còn 2.430,46 điểm trong khi chỉ số Standard & Poor's 500 giảm 4,11%, xuống còn 1.118,81 điểm.

Cổ phiếu thị trường chứng khoán châu Á cũng lao dốc theo. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 2,1%, Kospi của Hàn Quốc giảm 2,9%, S&P/ASX 200 của Australia giảm 2,6%, Hang Seng của Hong Kong giảm tới 4,9% và Shanghai Composite Index giảm 2,8%. Chỉ số chứng khoán của châu Âu thậm chí còn tệ hại hơn, tại Pháp giảm trung bình 5,3% và tại Đức giảm 5%.

Giá một số hàng hóa như dầu lửa và kim loại đều giảm vì các nhà đầu tư cho rằng nhu cầu đối với các mặt hàng này sẽ giảm nếu kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi chậm hoặc lại rơi vào suy thoái. Giá dầu thô tại thị trường Mỹ giảm gần 6 USD (6%), xuống 79,94 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 19/8. Giá bạc giảm 9,6% và giá vàng cũng giảm 3,7%.

Tình trạng bán đổ bán tháo cổ phiếu khắp các châu lục xảy ra trong ngày 22/9 sau khi Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) loan báo tung ra 400 tỷ USD để hỗ trợ khi trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ liên tục bị mất giá, cổ tức của loại trái phiếu này đã giảm từ 1,86% xuống 1,71%, mức thấp nhất kể từ thập niên 40 của thế kỷ trước.

FED cũng cảnh báo chiều hướng không thuận lợi có thể tác động tới viễn cảnh kinh tế Mỹ. Còn một thực tế là tốc độ tăng GDP của Mỹ trong sáu tháng đầu năm 2011 chỉ ở mức 0,7%, mức tăng chậm nhất kể từ đỉnh cao cuộc suy thoái tháng 6/2009.

Tâm lý các nhà đầu tư cũng bị tác động mạnh bởi phát biểu của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cho rằng tình hình kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế tài chính ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi cho rằng xu thế bán tài sản ồ ạt trong ngày 22/9 có thể chỉ là một sự phản ứng quá thái vì trên thực tế, kinh tế toàn cầu vẫn chưa rơi vào suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục