Cẩm nang cho phụ huynh

"Cẩm nang" cho phụ huynh trước kỳ thi của sỹ tử

Làm sao giúp con chuẩn bị tốt nhất để bước vào kỳ thi mà sự quan tâm không trở thành áp lực là trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.
Trước và sau các đợt thi đại học, có thể thấy chuyện đi thi thật gian nan. Nhiều khi cha mẹ còn căng thẳng hơn cả sỹ tử.

Mùa thi này, bên cạnh những hoạt động tiếp sức mùa thi của toàn xã hội, phóng viên đã trao đổi với những người đã và đang ở trong cuộc.

Chăm bẵm quá, có nên?

Làm sao giúp con được chuẩn bị tốt nhất để bước vào kỳ thi mà sự quan tâm của phụ huynh không trở thành áp lực? Đây là câu hỏi khó với bất cứ bậc làm cha mẹ nào trong mùa thi của các sỹ tử trước ngưỡng cửa trường đại học.

Người mẹ khéo là người mẹ biết quan tâm đến con mình một cách có chiều sâu. Đó không phải là chỉ nài ép từng miếng ăn, nâng giấc từng giờ ngủ mà là cuốn con vào “chương trình” bồi dưỡng và nhắc nhở khéo léo, âm thầm khi con ôn tập và đi thi.

Thúy, sinh viên năm thứ tư ở Hà Nội kể lại rằng mẹ mình đã làm đủ các món, ninh nấu những chất bổ dưỡng như thể Thúy là “gái đang ở cữ.” Thế nên, một số món bị ép ăn đến giờ Thúy vẫn còn sợ.

“Những thứ nước cốt gà, cốt cá gì đó uống xong chỉ muốn ói. Thế mà mẹ tôi cứ đứng chờ tôi nuốt hết mới thôi. Tôi đã ăn tất cả, uống tất cả để mẹ vui nhưng bên cạnh việc khó nuốt các món mẹ ép, thực tình tôi rất hoảng sợ khi trộm nghĩ lỡ mình thi trượt,” Thúy kể.

Người con rất mang ơn mẹ ấy cũng đã tâm tình: “Và có điều này mẹ tôi không biết. Đó là mẹ chăm chút quá lại tạo thành áp lực cho tôi. Tôi đã như nghẹt thở khi năm đó, có một môn thi tôi làm bài không tốt. Và trong nỗi nghẹn điếng lo lắng ấy, hình ảnh của mẹ cứ ám ảnh tôi. Như thể lo cho tôi để mẹ gửi vào một ước mơ cả đời mẹ làm tôi thực sự rất nặng nề. May sao, nhờ hai môn kia tôi làm bài thi cũng ổn, nên đã đỗ. Còn nếu mà trượt, chắc không dám về nhà gặp mẹ."

Tiến, sinh viên trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cũng tâm sự: "Bố tôi, đưa tôi đi thi rồi ngồi để chờ ở cổng trường thi suốt hơn ba tiếng đồng hồ, trời thì nắng nóng khủng khiếp. Lúc ra tôi nhìn thấy bố mà ngại không dám nói thật mình đã không làm được một câu trong đề thi. Khi học ôn, bố pha cho cốc nước chanh cũng gửi gắm: “Uống đi con! Nước chanh tốt lắm. Con là tâm nguyện của bố. Con đỗ vào đại học thì cả họ, không ai nói gì được nhà ta cả.”

“Con đi trường học, mẹ đi trường đời”

Con đi thi về việc học hành thì mẹ cũng đang thi “nâng bậc” việc làm mẹ ở một “tầm cao mới.” Làm sao chuẩn bị tốt nhất cho con mà lại không “phô trương”. Chúng tôi đã tìm gặp một số phụ huynh và ghi nhận những cách rất hay mà họ đã làm cho con.

Về việc chuẩn bị bữa ăn sáng, một số phụ huynh cho rằng vì đi thi rất sớm nên phụ huynh nên nấu cho con một tô mỳ, phở để con ăn cho “lành,” tránh việc ăn ngoài hàng quán. Tuy nhiên, bữa ăn cũng đừng quá nhiều, quá béo. Phụ huynh cũng không nên bắt con ăn thêm trứng dễ gây ra đầy bụng.

Bố mẹ rất nên đưa con đến trường thi xong nên giả bộ sẽ đi công chuyện và quay lại đón vào giờ tan. Khi đến đón con, phụ huynh đứng ở chỗ sỹ tử ít mất công tìm kiếm nhưng đừng bám cổng trường, chớ kiễng chân, căng mắt. Khi gặp sỹ tử, không nên vồ vập, hấp tấp hỏi ngay mà để sỹ tử ngồi lên xe “yên vị” rồi hẵng nhẹ nhàng hỏi "đề có khó không con?" thay vì “làm bài tốt không con?.”

Khi con phấn khởi hay bi quan thì chính bố mẹ lại cần là người “tiết chế” cảm xúc hộ con, hướng con tới môn thi còn lại. Điều quan trọng là phải nuôi hy vọng cho con và cũng chính là cho mình trong mọi trường hợp. Một phụ huynh đã thốt lên: “Giá bố mẹ đừng nói những câu "đã bảo bình tĩnh rồi mà,’ ‘thế thì còn nói chuyện gì,’ ‘lúc ấy con bị sao vậy?’ mà tội cho con."

Phóng viên tiếp xúc với một phụ huynh là giáo viên dạy trung học phổ thông. Mùa thi năm trước, chị có một “chiêu” thật đáng tham khảo cho các bậc phụ huynh. Sau khi con thi xong môn Toán khá căng, chị đưa con trai về một trung tâm chăm sóc sức khỏe để bác sỹ Đông y bấm huyệt, điều trị những mỏi mệt khoảng hơn một giờ.

Theo người mẹ là nhà giáo này, thí sinh sẽ được giũ hết căng thẳng của cả mấy ngày lo trước khi thi. Chiều đó, con chị vào ca thi môn Vật Lý khá nhẹ nhàng.

Và hành trình chờ kết quả

Chờ đợi và căng thẳng là trạng thái của đa số thí sinh, cũng là của hàng triệu gia đình trên cả nước trong mấy tuần liền tới đây. Các bậc phụ huynh nên tránh để sau khi thi lại căng thẳng hơn cả lúc làm bài thi.

Thực tế, cha mẹ cứ căn chỉnh, so đo cộng điểm, đoán điểm chuẩn, náo loạn nhờ người hỏi điểm sớm... Có thầy giáo thường làm nhiệm vụ trường thi còn phải thốt lên: “Lạ thật, không biết sớm muộn một hai ngày thì để làm gì nhỉ? Ai cũng cuống cả lên. Xét tuyển thì cũng có thời hạn thoải mái mà. Có khi họ cần biết ngay tối hôm trước hơn là để đến sáng mai. Đúng là bệnh tâm lý, cứ như thể một đêm họ thay đổi, xoay xỏa được gì vậy. Có trường nào, cơ quan nào làm việc trong đêm đâu. Chỉ mất ngủ vô ích và khổ cho cả thí sinh. ”

Thực tế, phụ huynh tìm mọi cách nhờ người quen xem điểm sớm giúp. Cha mẹ không hiểu việc rất “quýnh” của mình làm cho con cái căng thẳng đến cao độ. Có em sau khi thi bị trầm cảm nặng. Và cũng đã có không ít những hành động nông nổi, tiêu cực của thí sinh hỏng thi.

Một câu “truyền thống” được phụ huynh tâm lý vẫn dùng trong lúc chờ kết quả là “học tài thi phận,” “được đến đâu hay đến đấy.” Mà quả nhiên, nên bình tĩnh bởi không đạt nguyện vọng này đã có những nguyện vọng khác. Mọi chuyện trong cuộc đời đều vậy, đâu riêng gì chuyện thi cử./.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục