"Cơn lốc KLS" làm cháy đỏ cả hai sàn chứng khoán

Dù chưa chính thức nhưng thông tin KLS thay đổi chiến lược kinh doanh đã quét qua thị trường và nhấn chìm bảng điện tử trong sắc đỏ. 
Sáng nay 2/3, nhiều nhà đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán lan truyền nhau thông tin Công ty Chứng khoán Kim Long (mã KLS, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội) sẽ tập trung hoàn toàn vào nghiệp vụ đầu tư và không làm nhiệm vụ môi giới và lưu ký chứng khoán.

Mặc dù chưa có thông tin xác nhận chính thức từ phía cơ quan quản lý và phải đến chiều nay KLS mới tiến hành họp báo, song tâm lý lo lắng đã bao trùm khắp thị trường trong phiên.

Nhà đầu tư hoảng hồn

Tại trụ sở chính của Công ty cổ phần chứng khoán Kim Long (Thành Công, Hà Nội) ngay từ đầu giờ sáng không khí giao dịch đã diễn ra rất “nóng” và nhiều nhà đầu tư đang đếm ngược thời gian để lọt vào danh sách “khớp lệnh thành công.”

Một nhân viên môi giới ở đây cho biết: “Một lượng lớn cổ phiếu KLS đã được bán ra trong sáng nay, thậm chí nhiều lệnh đặt giá sàn để bán bằng mọi giá."

Chị Đỗ Bích Ngân, một nhà đầu tư trên sàn này chia sẻ, ngay khi thông tin lan truyền trong giới đầu tư thì nhiều khách hàng đến giao dịch ở đây rất lo lắng.

“Người bán được thì mừng ra mặt còn người chưa khớp lệnh được thì liên tục than phiền trách cứ nhân viên môi giới,” chị Ngân cho biết.

Những tiếng xì xào “bán tin bán nghi” vẫn âm ỉ lan truyền trong giới đầu tư phía dưới những tấm bảng điện tử.

Tính đến 10 giờ 30 phút, số cổ phiếu KLS được khớp lệnh đã lên đến con số 5,4 triệu đơn vị và chiếm áp đảo trên bảng điện tử của sàn HNX.

Ở cột dư bán của cổ phiếu này, tồn hơn 2 triệu đơn vị ở mức giá sàn 12.100 đồng/cổ phiếu, trong khi bảng mua chỉ có hơn 1.000 cổ phiếu được khớp ở mức giá sàn. Phía nhà đầu tư nước người ngoài cũng tham gia bán trên 1 triệu cổ phiếu này.

Đang có 10.000 cổ phiếu KLS mua với giá bình quân 15.000 đồng/cổ phiếu nhưng chưa khớp lệnh được nên bà Nguyễn Thị Loan (56 tuổi) Cầu Giấy, Hà Nội tỏ ra rất sốt ruột.

“Nếu cứ đà này mỗi ngày cũng mất toi vài triệu, nhưng sợ nhất là không biết có ai còn quan tâm đến cổ phiếu này để giao dịch nữa hay không,” bà Loan chia sẻ.

Tại một số công ty chứng khoán khác trên địa bàn Hà Nội, nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiểu KLS cũng rất băn khoăn trước thông tin này.

Anh Lê Ngọc Quân một nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn bày tỏ, mình chưa biết thông tin này tốt hay xấu nhưng nếu đóng cửa tất cả các dịch vụ chứng khoán bao gồm cả môi giới sẽ mất đi thế mạnh của công ty này.

“Từ trước đến nay cổ phiếu KLS luôn được các nhà đầu tư chọn làm cổ phiếu lướt sóng, nếu đóng cửa các dịch vụ này sẽ không còn nhiều hấp dẫn nữa,” anh Quân nói.

"Thoát thôi!"

Đây là câu nói của nhiều nhà đầu tư trong phiên sáng nay. Trạng thái lo lắng và bối rối đã thúc đẩy sự tháo chạy diễn trên hầu hết các mã cổ phiếu không phân biệt ngành nghề, tốt xấu, khiến bảng điện tử chìm kín trong sắc đỏ, trong đó số mã giảm sàn chiếm tỷ trọng rất lớn.

Theo một vị phó Phòng phân tích (từ một công ty chứng khoán chuyên về môi giới) cho biết, thông tin về siết chặt tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước ngày hôm qua 1/3 không bất ngờ và chi phối mạnh đến tâm lý thị trường bằng thông tin thay đổi chiến lược kinh doanh của KLS.

“Có quá nhiều suy diễn đang được bắt nguồn từ thông tin trên. Nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn hơn nữa bởi thậm chí một công ty chứng khoán lớn, kinh nghiệm hàng đầu đã phải rút lui khỏi nghiệp vụ kinh doanh cơ bản của ngành chứng khoán,” vị phó phòng trên nói.

Kết thúc phiên hôm nay, HNX-Index đã giảm tới 3,99 điểm về mức 91,17 điểm.

Bên phía sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh, không thoát khỏi sự chi phối từ cơn “lốc xoáy KLS”, VN-Index bỏ qua mọi sự trợ lực từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn (BVH, VIC vẫn giữ mức tăng trần), bị cuốn phăng tới 8,29 điểm rơi về mức 457,83 điểm.

Tổng khối lượng chứng khoán chuyển nhượng trong phiên đạt 46,6 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 974,6 tỷ đồng.

Bên phía sàn UpCOM, không bị tác động nhiều từ phía sàn niêm yết, song giao dịch ở đây vẫn trầm lắng. Thời điểm 11 giờ 27 phút, UpCOM-Index đang giảm nhẹ 0,07 điểm về mức 39,44 điểm. Thanh khoản đạt gần 114 nghìn cổ phiếu, giá trị tương ứng 1,13 tỷ đồng.

Tìm cơ hội trong khủng hoảng

Tuy nhiên có một thực tế cũng cần phải chú ý, trong lúc nhiều nhà đầu tư vội vã bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá, thì một dòng tiền lớn cũng đã sẵn sàng mua vào đẩy thanh khoản của sàn Hà Nội lên gần 54 triệu đơn vị (tăng hơn 150% so với tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong phiên hôm qua), giá trị tương ứng đạt 765,5 tỷ đồng.

Mã KLS tuy còn dư bán hơn 2 triệu đơn vị ở mức giá sàn song tổng khối lượng chuyển nhượng trong phiên ngày hôm nay vẫn dẫn đầu sàn HNX với gần 6,6 triệu đơn vị.

Ngoài mã KLS các mã SHN, BVS, PVX, VCG, VND cũng có mức giao dịch đạt hàng triệu, nhưng tất cả cùng đều có mức giá giao dịch bình quân giảm rất mạnh.

Anh Đỗ Trọng Nam, một chuyên viên môi giới và phát triển thị trường công ty chứng khoán Tân Việt nhìn nhận, thông tin này có thể khiến giá cổ phiếu của KLS giảm thêm vài phiên nữa, nhưng về lâu về dài thì đây lại là một tin tốt vì  ngành nghề trong mô hình tập đoàn sẽ mạnh hơn.

“Hiện mức giá này cũng là thấp rồi, nếu giảm cũng khó giảm sâu hơn nữa và tôi nghĩ nên để dài hạn, không vội gì phải bán tháo ra,” anh Nam phân tích.

Một số kết quả kinh doanh của KLS trong năm 2010:

Tổng doanh thu của KLS: đạt trên 272 tỷ đồng. Trong đó:
+ Đầu tư chứng khoán góp vốn đạt hơn 102 tỷ đồng
+ Hoạt động môi giới đạt 18 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 30 tỷ đồng của năm 2009.
+ Doanh thu khác đạt gần 144 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động kinh doanh chiếm 430 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá chứng khoán chiếm 86,48 tỷ đồng là nguyên nhân chủ yếu dẫn công ty đến mức lỗ ròng cả năm tới 172.82 tỷ đồng./.
Ngọc Quảng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục