Ông Kofi Annan: Cần thống nhất trong vấn đề Syria

Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan ngày 29/2 đề nghị cộng đồng quốc tế thống nhất theo sứ mệnh mà ông được giao phó tại Syria.
Trong phát biểu đầu tiên với báo giới kể từ khi được Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) giao nhiệm vụ làm Đặc phái viên quốc tế về Syria, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan ngày 29/2 cho biết ông sẽ mang tới Damascus một thông điệp rõ ràng rằng "cần sớm chấm dứt bạo lực và đổ máu, tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo," đồng thời đề nghị cộng đồng quốc tế thống nhất theo sứ mệnh mà ông được giao phó tại Syria.

Theo kế hoạch, trước khi lên đường, ông Annan sẽ tham dự một loạt cuộc tham vấn tại New York (Mỹ) trong ngày 2/3 và đến Cairo (Ai Cập) vào cuối tuần này để thảo luận với các nhà lãnh đạo của AL. Ông cũng sẽ đến một số nước khác trong khu vực trước khi tới Syria.

Phát biểu sau cuộc thảo luận với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cựu Tổng Thư ký Annan cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, mọi động thái đều rất nhạy cảm và mang tính chính trị cao.

Hiện, các cường quốc đang bị chia rẽ nghiêm trọng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, vì vậy, ông Annan kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất ủng hộ các sáng kiến của ông, thay vì bổ nhiệm các nhà hòa giải của riêng mình, để phối hợp các nỗ lực và cùng hành động.

Ông cũng nhấn mạnh đến giải pháp đối thoại nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.

Ông Annan, 73 tuổi, người Ghana, từng giữ cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 1997-2006. Sau khi mãn nhiệm, ông được mời làm nhà trung gian hòa giải nhằm giải quyết cuộc bạo loạn tại Kenya vào năm 2008.

Việc bổ nhiệm ông làm đặc phái viên tại Syria được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, trong đó có cả Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi đó tại Syria, ngày 29/2, quân chính phủ đã phát động một chiến dịch tấn công quận Baba Amr tại thành phố điểm nóng Homs hiện đang bị các tay súng nổi dậy chiếm giữ.

Một nguồn tin an ninh tại Damascus cho biết Baba Amr đã nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền. Các nỗ lực sơ tán phóng viên bị thương của báo Le Figaro (Pháp) Edith Bouvier đang được tăng cường sau khi đồng nghiệp người Anh của cô là Paul Conroy đã được đưa tới Lebanon chữa trị vào đêm 27/2.

Một phóng viên khác từng bị kẹt tại Homs, nhà báo người Tây Ban Nha Javier Espinosa, cũng đã được đưa tới Lebanon an toàn.

Cùng ngày, Mỹ đã triệu đại biện lâm thời của Syria tại Washington Zuheir Jabbour để bày tỏ "sự giận dữ" trước các cuộc tấn công kéo dài suốt tháng qua của các lực lượng chính quyền Syria tại thành phố Homs. Tại cuộc gặp, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Jeffrey Feltman hối thúc Syria chấm dứt bạo lực để thực hiện cam kết ngày 2/11/2011 với AL.

Trong khi đó, Algeria và Trung Quốc đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực tại Syria. Trong một cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Algeria Mourad Medelci và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thảo luận về cách thức tiến hành "một cuộc đối thoại chính trị quốc gia với sự tham gia của tất cả các bên liên quan" nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình và bền vững mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Hai bên nhất trí rằng một giải pháp như vậy "cần dựa trên sự tự do lựa chọn của nhân dân Syria và tôn trọng sự thống nhất và chủ quyền của Syria."

Trong diễn biến liên quan, người phụ trách vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, bà Valerie Amos cho biết chính quyền Damascus đã không đồng ý cho bà vào Syria để đánh giá tình hình.

Bà Amos đang có mặt tại khu vực và đợi thị thực nhập cảnh để tới Damascus, nhưng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã không phản hồi các yêu cầu của bà.

Phản ứng về việc này, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã bày tỏ "rất thất vọng" về sự khước từ của Syria trong khi chuyến thăm này là "cần thiết và cần được hoan nghênh."

Theo trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề chính trị Lynn Pascoe, hơn 7.500 người đã thiệt mạng trong 11 tháng bạo lực vừa qua tại Syria./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục