Trường học kêu cứu vì ô nhiễm kho chứa mủ cao su

Hai tháng nay, trường THPT Nguyễn Trãi, Cư M’gar, Đắk Lắk phải chịu ô nhiễm nặng từ kho chứa mủ cao su của Công ty Cao su Đắk Lắk.
Gần 2 tháng nay, hơn 1.000 học sinh và giáo viên trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) phải vừa dạy và học vừa phải ngửi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ kho chứa mủ cao su của Công ty Cao su Đắk Lắk xây dựng sát tường rào của trường.

Thầy giáo Trần Đình Thanh, Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi cho biết năm 2008, Công ty Cao su Đắk Lắk cho xây dựng kho chứa mủ cao su sau chế biến ở phía sau trường, sát dãy nhà hiệu bộ. Cũng bắt đầu từ đó, giáo viên và học sinh của trường phải thường trực dạy và học trong bầu không khí hôi khẳn mùi mủ cao su.

Cách đây khoảng 2 tháng, Công ty cao su lắp đặt và vận hành dây chuyền chế biến mủ cao su ngay tại khu nhà kho này, tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng.

Có mặt tại trường Nguyễn Trãi, phóng viên cũng được “đón nhận” bằng mùi hôi nồng nặc. Vừa ngồi vào bàn làm việc, người bạn đồng nghiệp đi cùng phải vừa bịt mũi vừa chạy ra sau nhà ọe khan.

Thầy giáo Phùng Ngọc Tâm, giáo viên dạy môn sinh học của trường cho biết: “Hiện tại dây chuyền chế biến xuất cao su bên đó vừa tạm ngưng hoạt động nên mùi hôi đã giảm đi. Khi dây chuyền đó hoạt động, không khí của toàn trường sặc sụa mùi hôi thối.”

Giải pháp phòng thân của học sinh trường Nguyễn Trãi là thủ sẵn mỗi người 1 cái khẩu trang để khi nào thối không chịu nổi sẽ đeo vào để hạn chế hít phải mùi hôi.

Từ đầu năm đến nay, 3 học sinh của trường Nguyễn Trãi bị ngất xịu ngay trên lớp vì không chịu nổi mùi hôi thối từ kho chứa mủ cao su.

Học sinh có khẩu trang hộ thân còn giáo viên phải giảng bài nên không thể dùng khẩu trang. “Nhiều bữa trời mưa, bầu không khí nồng nặc mùi thối, chúng tôi phải ngừng giảng bài để… bịt mũi. Các giáo viên đang mang bầu còn khốn khổ hơn nữa”, thầy Tâm cho biết thêm.

Thầy Trần Đình Thanh, Hiệu trường trường Nguyễn Trãi bức xúc: “Ngay sau khi Công ty Cao su Đắk Lắk lắp đặt và vận hành dây chuyền chế biến mủ cao su ở đây, chúng tôi đã phản ánh với cán bộ của Nhà máy chế biến mủ cao su. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nặng nề kéo dài đến nay đã gần 2 tháng mà phía doanh nghiệp không có một động thái nào để khắc phục là quá vô trách nhiệm. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chúng tôi sẽ phải xin ý kiến của lãnh đạo ngành tạm thời cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe cho cả trò và thầy.”

Trước tình cảnh đó, lãnh đạo trường Nguyễn Trãi vừa có công văn gửi Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk nhờ can thiệp.

Chiều 30/9, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk đã cử cán bộ về nắm tình hình ô nhiễm tại đây.

Nằm cách trường  Nguyễn Trãi không xa, hơn 2.000 học sinh của trường trung học cơ sở Đinh Tiên Hoàng và 2 trường mầm non là khác cũng đang phải khốn đốn chịu đựng mùi hôi thối của kho chứa mủ cao su này gây ra. Hàng trăm hộ dân sống trong khu vực cũng chung nỗi khổ tương tự.

Làm việc với phóng viên, ông Trần Lê – Phó Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk cho biết: Khu kho xây dựng phía sau trường Nguyễn Trãi dùng để chứa sản phẩm đã qua chế biên, không thể gây ô nhiễm. Tuy nhiên, tại khu kho này, công ty vừa lắp đặt dây chuyền phối trộn mủ được hai tháng nay để sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới. Có thể quá trình phối trộn, làm nóng mủ cao su đã gây ra mùi hôi.

Về việc ô nhiễm tại trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi, lãnh đạo công ty vừa biết thông tin qua một số phóng viên báo chí đến phản ánh. Công ty cũng chưa nhận được văn bản kiến nghị của trường Nguyễn Trãi.

Tuy nhiên, khi biết được thông tin này, công ty đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Y học nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh) đến hiện trường để đo các thông số môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm do việc chế biến mủ tại khu kho này gây ra. Nếu các cơ quan chức năng kết luận việc ô nhiễm tại đây vượt quá mức độ cho phép, công ty sẽ chuyển dây chuyền sản xuất ở đây đi nơi khác.

Trong lúc chờ kết luận của các cơ quan chức năng, hơn 3.000 học sinh của các trường học và hàng trăm hộ dân sống gần kho chứa mủ cao su sẽ phải tiếp tục sống chung với mùi “xác động vật đang phân hủy”./.

Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục