Thí điểm công nghệ EEFDR cải tạo mặt đường cũ

Công nghệ EEFDR mang lại lớp nền nhựa đường linh hoạt và chắc chắn đã được thí điểm cải tạo Quốc lộ 1A qua thành phố Tân An, Long An.
Ngày 9/3, tại Km 1941-1942 Quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Tân An, tỉnh Long An, Liên doanh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Công ty Hall Brothers International (Mỹ) đã tiến hành triển khai thí điểm ứng dụng Công nghệ tái chế nguội áo đường theo toàn chiều sâu sử dụng Nhũ tương cải tiến (EEFDR) trong việc tái tạo mặt đường cũ.

Ông David Welborn, Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ của Hall Brother International, cho biết công nghệ EEFDR là một quy trình tái sinh một lớp mặt đường hiện có đã xuống cấp hoặc kém chất lượng để đạt được chiều rộng, chiều sâu theo đúng quy chuẩn thiết kế.

Quy trình được tiến hành tại chỗ và sử dụng máy tái chế tự hành có khả năng tái chế toàn bộ mặt đường hiện tại, kết hợp các thành phần nhũ tương bitum cải tiến với nước, tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Sau khi các vật liệu được trộn qua thiết bị tái chế, máy lu và máy san sẽ định hình và đầm nén đường. Kết quả của quy trình này sẽ tăng cường độ bền cho nền đường, khắc phục tình trạng xuống cấp của mặt đường ban đầu.

Theo công ty Hall Brother International, công nghệ EEFDR mang lại lớp nền nhựa đường linh hoạt và chắc chắn có thể chống được lún, nứt và hư hại do ẩm.

Theo ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cienco 1, do công nghệ EEFDR là một quy trình tiến hành tại chỗ nên có rất nhiều ưu điểm, hạn chế được nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường trong quá trình đào, bóc bỏ lớp nhựa cũ.

Công nghệ EEFDR có tốc độ thi công nhanh, đảm bảo chất lượng, tăng cường chiều dày lớp nhựa thảm và chi phí thi công theo công nghệ này giảm từ 20-45% so với các phương pháp khác. Mặt khác, do cao độ mặt đường sau khi thi công vẫn được giữ nguyên, nên công nghệ EEFDR có thể áp dụng rộng rãi trong thi công ở cả nông thôn và đô thị mà vẫn đảm bảo giao thông bình thường.

Bước đầu công nghệ EEFDR đã được thí điểm thành công, có kết quả tốt.

Sau khi có kết luận chính thức của các nhà quản lý, nhà khoa học và áp dụng tại một số dự án, ngành giao thông vận tải sẽ xây dựng và ban hành một quy trình chính thức trong việc áp dụng công nghệ EEFDR vào thi công các công trình giao thông, đặc biệt là các dự án cải tạo mặt đường trong cả nước./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục