Hết thời tổ chức Đoàn kiểu “thấy hay, vỗ tay, đi về”

Hoạt động Đoàn gắn với thanh niên, vì thanh niên, dành cho thanh niên nên cũng phải thay đổi liên tục để thu hút các bạn trẻ.
“Những người trẻ luôn năng động và nhạy bén với thời cuộc. Làm Đoàn, Hội cũng phải bắt kịp họ. Đã hết thời mình cứ hì hục tổ chức, mọi người đến xem, thấy hay, vỗ tay, đi về,” anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cười nói.

Trong câu chuyện với phóng viên Vietnam+ nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, anh Vinh bảo, làm Đoàn chính là bí kíp giúp anh sôi nổi và lúc nào cũng phải làm mới bản thân mình vì Đoàn và Hội là tổ chức của người sôi nổi và năng động.

- Giới trẻ là đối tượng luôn bắt nhịp với cái mới nhanh nhất. Vậy Đoàn, Hội có cách nào để theo kịp với họ, thưa anh?

- Anh Nguyễn Đắc Vinh:
Xã hội liên tục phát triển, thanh niên cũng theo sự phát triển đó nên họ luôn thay đổi trên nhiều phương diện, từ phong cách sống đến tâm tư, nguyện vọng. Hoạt động Đoàn gắn với thanh niên, vì thanh niên, dành cho thanh niên nên cũng phải thay đổi liên tục để thu hút các bạn trẻ.

Hoạt động Đoàn ngày nay đã khác xa so với khoảng mươi năm trước. Khi nước mình còn khó khăn, thanh niên không có nhiều sự lựa chọn nên tổ chức hoạt động Đoàn thuận lợi hơn. Chỉ cần nói có biểu diễn văn nghệ là họ đã nô nức kéo đến, dù chương trình đơn giản do điều kiện thiếu thốn.

Thanh niên bây giờ nhiều lựa chọn. Mình làm không thiết thực, không hấp dẫn thì họ đi chỗ khác hoặc ở nhà cũng có thể xem được nhiều chương trình hay trên mạng internet. Xưa, đoàn tổ chức văn nghệ họ đi xem, nhưng giờ các bạn không nghe “cây nhà lá vườn” mà nghe ca sĩ hát. Nếu họ đến, là đến vì bạn bè, vì vui. Câu chuyện vì thế cũng thay đổi.

Thay vì mình tổ chức, mời họ đến xem, họ thấy hay, rồi vỗ tay đi về, thì bây giờ phải để họ tham gia vào chương trình, biến chương trình đó thành hoạt động của họ. Khi đã là chương trình của mình thì mình sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn, thích thú hơn và hăng hái hơn.

- Để hiểu được sự thay đổi ấy, Đoàn, Hội có phương pháp nào, thưa anh?

- Anh Nguyễn Đắc Vinh: Muốn thay đổi phù hợp phải hiểu thanh niên. Muốn hiểu lại cần có phương pháp điều tra đánh giá để có bức tranh sống động và chân thực nhất.

Để làm được điều này cần phải bám chắc cơ sở, hiểu cơ sở. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn, Hội còn có các điều tra theo quý để nhận định tình hình chung, biết được những gì mà thanh niên đang cần, đang mong đợi, những khó khăn vướng mắc họ đang gặp phải, từ đó có những điều chỉnh.

Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để lắng nghe các bạn chia sẻ.

- Năm nay là một trong những năm quan trọng đặc biệt của Đoàn, vừa vinh dự được Đảng, Nhà nước chọn là Năm Thanh niên, vừa đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn. Anh có thể cho biết Trung ương Đoàn có những hoạt động lớn nào?

- Anh Nguyễn Đắc Vinh: Năm nào chúng tôi cũng có rất nhiều hoạt động. Vì thế, trong năm nay, Đoàn không mong muốn phải có nhiều hoạt động hơn mà phải chất lượng hơn. Điều quan trọng là phải để cho các bạn trẻ hiểu được năm thanh niên là năm của họ, dành cho họ.

Đã là năm của mình thì mình sẽ cố gắng đạt được một dấu ấn. Chúng ta cũng không cần phải đao to búa lớn mà trước tiên nên hoàn thành tốt công việc của bản thân. Việc của học sinh, sinh viên là học tập, là nghiên cứu khoa học, tích cực rèn luyện, tham gia các hoạt động cộng đồng. Đối với cán bộ Đoàn, hội thì phải tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.

Trong năm này, chúng tôi hướng tới hai mục tiêu. Hướng tới mục tiêu con người là thực hiện phong trào sinh viên 5 tốt [gồm đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt – PV]. Hướng tới mục tiêu học tập là nghiên cứu khoa học. Đoàn, Hội sẽ cố gắng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đổi mới giải thưởng nghiên cứu khoa học, nhằm khích lệ hơn nữa sinh viên và các giảng viên trẻ tham gia hoạt động này.

Đối với học sinh cấp ba, Trung ương Đoàn khởi động chương trình "Khi tôi 18" vì khi học hết cấp 3, các em sẽ bước sang tuổi 18. Bản chất của chương trình này là giáo dục ý thức công dân, gồm bốn yếu tố là kiến thức về xã hội, pháp luật, kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp. Chương trình này được thực hiện dựa trên cơ sở thực tế là hiện ở các trường trung học phổ thông, chưa có phong trào nào mang tính rộng khắp. Một phần vì phong trào yếu nên các em học sinh không định hướng được nhiều về giá trị, dẫn tới những hành động lệch chuẩn như bạo lực học đường...

Tuy nhiên, có định hướng tốt, nội dung tốt, song cách thức làm thế nào cho phù hợp cũng là vấn đề phải nghiên cứu kỹ, vì ở lứa tuổi các em, đang có nhu cầu khẳng định cái tôi của bản thân, nên không phải mình cứ nói là các em nghe.

- Anh Nguyễn Đắc Vinh: Xin hỏi một câu riêng về cá nhân anh. Đang là một phó giáo sư chuyên ngành hóa học, có cả quãng thời gian cả chục năm du học về lĩnh vực này, là giảng viên một trường hàng đầu về nghiên cứu khoa học cơ bản là Đại học Khoa học Tự Nhiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, anh quay ngang sang hoạt  động Đoàn, Hội, anh có thấy tiếc không?

- Anh Nguyễn Đắc Vinh: Có chứ

- Đó liệu có phải là một sự hy sinh, một tố chất quan trọng của cán bộ Đoàn?


- Anh Nguyễn Đắc Vinh: Người ta vẫn thường nói làm Đoàn là phải hy sinh, điều đó cũng đúng. Hy sinh thời gian, trí lực, và thậm chí cả vật chất để lo cho phong trào. Nhưng đổi lại, anh có môi trường rèn luyện, qua đó trưởng thành. Tôi cho rằng, ở đây cũng có sự công bằng tương đối.

- Xin cảm ơn anh!./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục