Giám sát thị trường tài chính vẫn "đèn ai nấy rạng"

Thị trường Tài chính được coi là một nửa của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc giám sát thị trường tài chính vẫn ở tình trạng "đèn ai nấy rạng." Theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chèn ép, thiếu minh bạch trên thị trường tài chính. Do vậy, vấn đề mô hình giám sát hợp nhất đang được coi là khả thi hơn cả để từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát tài chính ở Việt Nam.
Thị trường Tài chính được coi là một nửa của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc giám sát thị trường tài chính vẫn ở tình trạng "đèn ai nấy rạng."

Theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chèn ép, thiếu minh bạch trên thị trường tài chính. Do vậy, vấn đề mô hình giám sát hợp nhất đang được coi là khả thi hơn cả để từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát tài chính ở Việt Nam.

Giám sát mới chỉ dừng ở tư vấn

Hiện nay, mô hình giám sát tài chính của Việt Nam là mô hình phân tán. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra giám sát hoạt động của ngân hàng. Giám sát chứng khoán, bảo hiểm do hai cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính là Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Vụ bảo hiểm thực hiện. Cuối cùng, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có chức năng kết nối thông tin từ các tổ chức giám sát chuyên ngành, tổng hợp báo cáo và tư vấn cho Chính phủ đối với các vấn đề liên quan đến ổn định hệ thống tài chính.

Ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, như vậy về mặt vĩ mô, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có chức năng kết nối thông tin từ các tổ chức giám sát chuyên ngành, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, tổng hợp, xử lý cung cấp thông tin về thị trường tài chính Quốc gia. Từ đó, cơ quan này cảnh bảo mức độ an toàn, nguy cơ rủi ro với thị trường tài chính và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời.

Qua hoạt động 5 năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy vai trò của Ủy ban giám sát tương đối hạn chế vì được tổ chức dưới góc độ là cơ quan tư vấn. Thực tế, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có điều kiện tiếp cận thông tin và dòng tiền trên toàn thị trường tài chính, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm nhưng lại không đủ điều kiện pháp lý thực thi đầy đủ chức năng của một cơ quan giám sát. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia không được trang bị công cụ để cảnh cáo hoặc xử lý các vi phạm trên thị trường tài chính. Bởi vậy, Ủy ban chẳng những không phát huy được lợi thế mà còn không đủ điều kiện để thực hiện tối đa chức năng được giao.

Ông Hưng cho rằng, đây cũng chính là lý do khách quan để cơ quan này chưa triển khai được một số nhiệm vụ Thủ tướng chính phủ giao theo Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg như: giám sát điều kiện được cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; giám sát việc thực hiện các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động giám sát của các cơ quan thanh tra-giám sát chuyên ngành.

Bên cạnh đó, trước những hoạt động vi phạm quy định hoặc tiềm ẩn rủi ro trên thị trường tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng không đủ điều kiện xây dựng chính sách có tính chất bao quát toàn bộ thị trường tài chính khi mà những chính sách quản lý của các cơ quan giám sát bộ phận: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thường chỉ tập trung vào bộ phận mình quản lý.

Thời gian qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia còn gặp không ít khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các Bộ, ngành, tổ chức tài chính phục vụ công tác giám sát thị trường tài chính. Hệ thống dữ liệu thông tin Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận từ các Bộ, ngành chưa đồng bộ, đầy đủ và chậm về thời gian, gây khó khăn cho công tác phân tích, đánh giá.

Tăng cường quyền lực cơ quan giám sát tài chính

Theo kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình giám sát phân tán theo thể chế thường được áp dụng tại hầu hết những quốc gia chưa phát triển, quy mô thị trường tài chính còn nhỏ. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, mô hình giám sát phân tán tại nhiều quốc gia ngày càng bộc lộ nhược điểm. Do vậy, xu hướng chuyển dần từ mô hình giám sát phân tán sang mức độ khác nhau của mô hình giám sát hợp nhất có vẻ như ngày càng rõ ràng hơn.

Trước thực tiễn cũng như xu hướng chung này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện và tăng cường địa vị pháp, quyền lực cho cơ quan giám sát tài chính quốc gia thay vì cơ chế hoạt động chỉ nặng về nhiệm vụ như hiện nay. Đồng thời, đây cũng là lúc hoàn thiện và cơ cấu lại năng lực, tổ chức bộ máy, hạ tầng công nghệ thông tin của chính Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để ngang tầm với vị thế mới.

Ông Hưng cho rằng, giai đoạn 2011-2015, củng cố hiệu lực của hệ thống giám sát tài chính hiện tại và chuẩn bị điều kiện mô hình giám sát hợp nhất. Trước hết, trong giai đoạn trước mắt cần xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ mà cơ quan giám sát tài chính quốc gia sẽ đảm nhận. Đồng thời, việc tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về vấn đề trao đổi thông tin, hợp tác giữa tất cả các cơ quan trong nước và đối tác nước ngoài cần được sớm hoàn thiện.

Nhiều chuyên gia khác nêu ý kiến, trong giai đoạn 2015, Chính phủ nên ban hành Nghị định mới về tổ chức hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Sau đó, các bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bảo hiểm tiền gửi nhằm hướng dẫn cụ thể hoạt động giám sát tài chính.

Cùng với những biện pháp cải thiện nền tảng pháp lý cho hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năng lực của các cơ quan giám sát chuyên ngành cũng cần được tập trung củng cố trên các mặt: trình độ nguồn nhân lực; hệ thống công nghệ thông tin…Theo đó, việc hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính theo từng chuyên ngành cũng như kho dữ liệu thông tin tài chính cần được ưu tiên thực hiện. Việc thiết kế hệ thống chỉ tiêu phải tính đến quan hệ tương tác, đan xen giữa các mục tiêu giám sát tài chính: đảm bảo cho sự ổn định của hệ thống tài chính, sự an toàn lành mạnh của các định chế tài chính và bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục