Điểm trông giữ xe: Cứ thu hồi trước rồi... bố trí sau?

Hà Nội đã thu hồi điểm trông giữ xe trên lòng đường, vỉa hè nhưng lại chưa đưa ra được phương án điểm đỗ xe thay thế cho người dân.
Theo văn bản số 796/UBND-GT, Hà Nội sẽ chính thức thực hiện xong việc rút giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành xong trước ngày 15/2.

Thời hạn đã cận kề, thế nhưng trên nhiều tuyến phố, tình hình vẫn khá ngổn ngang khi hàng chục điểm trông giữ xe vẫn hoạt động khá náo nhiệt. Ở một hướng khác, theo các đơn vị khai thác trông giữ xe ở nhiều quận, việc thu hồi giấy phép trong thời gian ngắn sắp tới đang khiến nhiều công ty nghẹt thở vì phải hụt hơi chạy theo phương án mà thành phố đã đưa ra.

Thấp thỏm trước giờ G

Một vài ngày trở lại đây, theo quan sát của phóng viên Vietnam+, rất nhiều tuyến phố trong diện sẽ bị cấm trông xe vẫn trong tình trạng vừa giữ xe vừa lo. Tất nhiên, vì nhiều lý do, đến sát ngày quyết định rút giấy phép, các tuyến phố thuộc 9 quận nội thành vẫn y trạng như… "chưa hề có cuộc ra quân."

Đặc biệt nhộn nhịp những ngày này vẫn là một số quán cà phê trên phố Hàng Bài, Phố Huế, Trần Duy Hưng… Anh Thanh, một bảo vệ quán cà phê trên phố Hàng Bài cho hay, những lúc vắng khách thì xe có thể gọn gàng, còn lại, khoảng thời gian nghỉ trưa hay chiều tối thì vỉa hè hầu như chẳng còn chỗ cho khách len xe.

Bình thường, cách quán cà phê anh làm mấy chục mét có điểm trông xe khá lớn. Những khi đông khách, mấy anh em bảo vệ vẫn hì hục dắt xe của khách sang đó. Thế nhưng, một vài ngày nay, bên điểm đỗ xe kia bỗng dưng bị giải tỏa làm khách đến quán chẳng thể tìm đâu ra chỗ để xe. Cánh bảo vệ như anh Thanh cũng toát mồ hôi xếp xe của khách thật gọn, nhưng có cố thế nào, đầu chiếc nọ, đuôi chiếc kia vẫn ngổn ngang thò ra đường.

“Ngày thường còn đỡ, ngày cuối tuần, ngày lễ thì chỉ có nước chào thua với lượng xe như thế,” anh bảo vệ thật thà.

Cực chẳng đã, chủ quán cà phê chỗ anh làm được đã phải tính đến nước thuê lại nhà mấy người trong ngõ có hè rộng để làm bến đỗ tạm cho khách.

Tình hình này cũng chẳng khá hơn ở nhiều tuyến phố. Phố Trần Duy Hưng, nơi tập trung khá nhiều quán xá, đặc biệt là một số quán bia lớn, lượng xe neo đậu trên vỉa hè và lòng đường luôn náo nhiệt vô cùng. Mới chớm chiều tối, vỉa hè của một quán bia phía đầu phố, gần cầu Trung Hòa đã đông nghẹt khách. Quán bia này từ lâu đã tận dụng con hẻm cạnh quán làm chỗ trông giữ xe cho khách. Vỉa hè phía trước quán tất nhiên chẳng bao giờ còn chỗ trống. Thậm chí, phía bên kia đường, khách đi ôtô đến quán cũng phải cố len vào khoảng giữa bờ tường với… cột điện để có chỗ giải khát.

“Nếu không có phương án thay thế, mấy ngày nữa cấm xe chẳng hiểu quán phải xoay sở thế nào. Thôi thì, cố được hôm nào biết hôm ấy vậy,” một nhân viên của quán bia tâm sự.

Không chỉ những điểm giữ xe lo lắng mà ngay cả những nhà giàu có ôtô cũng đang đau đầu tìm kiếm bãi đỗ sau khi địa điểm vàng của họ bị thu hồi.

Anh Trần Trung Kiên làm việc ở phố Yết Kiêu thường ngày vẫn để xe trên dọc vỉa hè nhưng mấy ngày nay phải chạy ngược xuôi những nơi gần đó để tìm chỗ đáp cho chiếc xế hộp của mình.

“Tìm được điểm đỗ xe ngay bình thường đã khó, nay lại tiến hành cấm khiến nhiều người có ôtô phải “đỏ con mắt” giành giật từng centinmet đất để lấy chỗ đậu xe,” anh Kiên buồn bã nói.

Khó quản lý và kiểm tra

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội hoàn toàn ủng hộ quyết định của thành phố tại các tuyến phố để giảm ùn tắc.

“Hiện nay, công ty đang quản lý 191 điểm trông giữ xe trên toàn địa bàn thành phố. Với việc Thành phố ra quyết định rút giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố, công ty sẽ có 49 điểm trông giữ phương tiện tại 35 tuyến phố bị rút giấy phép, chủ yếu tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, với sức chứa 1.400 ô tô, 200 xe máy,” bà Lam cho biết.

Tuy nhiên, bà Lam cũng tỏ ra băn khoăn việc rút giấy phép một số tuyến đường có hạ tầng tốt, đủ khả năng làm điểm đỗ xe.

 “Cơ quan chức năng nên xem xét lại việc rút giấy phép một số tuyến đường như Văn Cao, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khánh Toàn, Văn Miếu, Hàng Gai… có hạ tầng tốt, đường rộng, vỉa hè đã được xén gọn sâu vào bên trong tại sao cũng nằm trong diện bị thu hồi?” bà Lam đặt ra câu hỏi.

Theo bà Lam, khó khăn lớn nhất của việc hậu thu hồi điểm đỗ trên vỉa hè lòng đường chính là thành phố cần phải bố trí các điểm đỗ xe thay thế đồng thời phải kiểm tra và xử lý ra sao đối với những trường hợp vi phạm.

“Nếu sau khi rút giấy phép chúng tôi có nhổ biển, xóa sơn nhưng người ta vẫn đem xe tới đỗ thì làm sao có thể xử lý hết. Còn giao quyền cho chính quyền địa phương như tự quản phường thì làm sao xử lý được, xe sẽ vẫn đỗ tràn lan,” bà Lam lo ngại.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mục đích của việc rút giấy phép trông giữ xe chính là đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc.

“262 tuyến phố Thành phố chỉ đạo rút giấy phép trông giữ phương tiện đều là những tuyến phố chính có mặt đường nhỏ, vỉa hè chật hẹp nên phải hạn chế đến mức tối đa việc trông giữ phương tiện,” ông Giáp cho hay.

Cũng theo ông Giáp, để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân, liên ngành Giao thông và Công an Thành phố đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình Thành phố xem xét cấp phép.

“Nhu cầu gửi xe của nhân dân rất nhiều, Thành phố sẽ xem xét để cố gắng đáp ứng tới mức tốt nhất có thể được. Tất nhiên, về điểm trông giữ, cũng có thể chỗ này chỗ khác còn hiện tượng vi phạm nhưng giờ có quy định rõ ràng thì người dân và các cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện. Chủ tịch Thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm, kể cả người dân và chính quyền, ông Giáp khẳng định./.

Xuân Dũng-Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục