Hà Tĩnh hoàn thành xong cuộc tái định cư thế kỷ

Khu kinh tế Vũng Áng là một dự án trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên dự án gặp không ít vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tháng Sáu là thời điểm mà Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn nước rút cho công tác di dân giải phóng mặt bằng cho Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương.

Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương là dự án lớn nhất và được triển khai sớm nhất tại Khu kinh tế Vũng Áng, do Tập đoàn Formosa của Đài Loan đầu tư, với số vốn qua hai giai đoạn gần 15 tỷ USD.

Được triển khai từ tháng 8/2008, tỉnh Hà Tĩnh coi đây là lần tái định cư thế kỷ trên địa bàn. Tuy nhiên, trong khi thực hiện, công việc giải phóng mặt bằng gặp không ít những khó khăn.

Lần tái định cư thế kỷ... đầy khó khăn

Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập theo Quyết định 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích gần 23.000ha, bao gồm 9 xã của huyện Kỳ Anh, nhằm xây dựng và phát triển một khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực.

Trọng tâm của khu kinh tế là phát triển các ngành công nghiệp liên hợp gang thép gắn với lợi thế về tài nguyên, như mỏ sắt Thạch Khê, cảng nước sâu Vũng Áng, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, khu công nghiệp định hướng xuất khẩu…

Để triển khai Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương, hơn 3.000ha (trong đó có gần 2.000ha đất liền) của 5 xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long và Kỳ Thịnh của huyện Kỳ Anh sẽ bị thu hồi, hơn 6.000 lượt hộ bị ảnh hưởng, với gần 15.000 nhân khẩu sẽ phải di dời, bố trí nơi tái định cư mới. Chỉ riêng tiền chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu tái định cư, Nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 2.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Vận, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cho biết, để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng thời hạn, công tác di dời, tái định cư cho người dân phải khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ. Song để làm được điều này là hết sức khó khăn, đặc biệt là khi triển khai giai đoạn 2 đã "động" đến đất thổ cư của hàng ngàn hộ dân.

Ông Vận cũng cho biết, trong thời gian qua, các ngành, các cấp, tổ chức hội, đoàn thể từ xã đến tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, kiên trì thuyết phục, vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; điều chỉnh linh hoạt, vận dụng tối đa trong đền bù, giải phóng mặt bằng để người dân được đảm bảo quyền lợi…

Đến thời điểm cuối tháng 6/2010, đã có hơn 1.780 hộ dân nhận tiền đền bù, 1.350 hộ đã nhận đất và tiến hành xây dựng nhà cửa tại nơi tái định cư mới. Tại hai xã Kỳ Lợi và Kỳ Liên, 100% gia đình đã di chuyển về khu tái định cư. Ở xã Kỳ Long và Kỳ Phương, 70% hộ gia đình đã di dời đến nơi ở mới.

Kỳ Lợi là một trong 5 xã thuộc huyện Thạch Hà nằm trong vùng ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng, di dời về khu tái định cư Kỳ Trinh. Toàn xã có 250 hộ, hầu hết người dân nơi đây sống chủ yếu vào nghề đánh bắt và khai thác thủy sản. 

Theo ông Nguyễn Đình Vận, Kỳ Lợi là 1 trong 5 xã phải di dời song lại là xã duy nhất phải di dời khỏi địa bàn, lên tái định cư tại Kỳ Trinh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sống cũng như đặc thù nghề nghiệp của người dân nên việc vận động người dân di dời là rất khó khăn.

Người dân ấm lòng tại nơi ở mới


Kiên trì với công tác tuyên truyền vận động nhân dân, ngày 10/3/2010, có 62 hộ dân đầu tiên của xã Kỳ Lợi đã di dời về Khu Tái định cư Kỳ Trinh. Đây là những hộ di dời đợt 1 trong số 219 hộ thuộc diện di dời ở xóm Tân Phúc Thành 1 và Tân Phúc Thành 2 xã Kỳ Lợi.

Hiện nay, 250 hộ dân xã Kỳ Lợi đã chuyển đến nơi ở mới, toàn bộ số người trong độ tuổi lao động trước mắt được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, một số đoàn thể của tỉnh Hà Tĩnh và các doanh nghiệp cũng đã và đang triển khai các dự án dạy nghề để giúp người dân có thể kiếm sống tại nơi ở mới.

Được mệnh danh là một người “ngang tàng” nhất xóm Tân Phúc Thành 1, không chấp nhận di dời khỏi “nơi chôn rau cắt rốn” của mình, ông Lê Văn Minh, 60 tuổi đã nhiều lần "không nói chuyện" với các lực lượng ban, ngành đến gia đình kiểm kê tài sản, vận động di dời đúng tiến độ.

Ông Minh đã từng tuyên bố “tôi ở đây, ăn đây, chết đây, sống đây” để "bảo vệ" nhà cửa cơ nghiệp của mình tại xã Kỳ Lợi. Ông tâm sự, từ chỗ có những việc làm quá gấp rút, người dân chưa hiểu hết vấn đề nên gây ra những bức xúc dẫn đến việc "cương quyết không di dời."

Trước cảnh cán bộ các cấp, các ngành, địa phương hàng ngày hàng đêm kiên trì tuyên truyền vận động đã khiến người dân các xóm Tân Phúc Thành 1 và Tân Phúc Thành 2 nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, họ lần lượt di dời về khu tái định cư khiến ông cũng “lung lạc ý chí.”

Cân nhắc những cái được và mất, ông đã quyết định làm theo mọi người. Với 300 triệu đồng đền bù ông Minh đang xây nhà rộng khoảng 120m2 để "hưởng tuổi già" nơi đất mới.

Nhìn khu đô thị đang chuẩn bị khoác chiếc áo mới với những nếp sinh hoạt mới, ông Lê Văn Minh chia sẻ, khi đã hiểu và quyết định lên đây và động viên mọi người trong xã vượt qua mọi khó khăn trước mắt, chăm chỉ học lấy cái nghề để ổn định cuộc sống.

Để giúp người dân yên tâm sống tại khu tái định cư, bên cạnh việc lo nơi ăn chốn ở, lo việc làm cho người dân trong xã, các cơ quan chức năng còn xây dựng một khu nghĩa trang hiện đại với diện tích hơn 5ha, tổng kinh phí lên đến 17 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu di dời mồ mả của các hộ gia đình trong xã.

Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng nhận định, đến thời điểm cuối tháng Sáu, về cơ bản công tác di dân đã thành công. Trong 2.000 hộ, chỉ còn 200 hộ đang chuẩn bị nhận hết tiền đền bù; đã có 1.500 hộ đã nhận đất (1.200 hộ đang xây dựng nhà cửa). Các gia đình đã di chuyển gần hết phần mộ tổ tiên lên nghĩa trang mới.

Ngày 10/7 là mốc mà Hà Tĩnh quyết tâm giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Việc bàn giao mặt bằng đúng thời hạn giúp Dự án Formosa triển khai đúng tiến độ cam kết là cơ hội tốt để Hà Tĩnh kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư khác./.

Hoàng Thị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục