Nga phản đối việc trừng phạt kinh tế với Iran

Nga nhấn mạnh bất cứ lệnh trừng phạt nào đối với Iran cũng phải tập trung ngăn chặn phổ biến hạt nhân thay vì đánh vào kinh tế.
Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov ngày 6/2 nhấn mạnh rằng bất cứ lệnh trừng phạt nào đối với Iran cũng phải tập trung ngăn chặn phổ biến hạt nhân thay vì đánh vào nền kinh tế nước này.

Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 46, đang diễn ra tại Muních, Đức, ông Ivanov nói: "Nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt mới, chúng ta phải đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt này chỉ được giới hạn trong việc ngăn ngừa phổ biến hạt nhân, chứ không mở rộng sang các hoạt động văn hóa, nhân đạo và kinh tế của Iran".

Phó Thủ tướng Ivanov cũng nhấn mạnh rằng Nga không phản đối quyền phát triển năng lượng hạt nhân của Iran. Theo ông, nên tiếp tục thuyết phục Iran về gói sáng kiến mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đề xuất hồi tháng 10/2009, tuy nhiên, các cường quốc thế giới "không nên theo đuổi đến cùng" giải pháp này.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết quan điểm của Bắc Kinh là tìm kiếm một giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận. Ông nhấn mạnh vấn đề hạt nhân của Iran đã bước vào "giai đoạn then chốt" và kêu gọi các bên liên quan tăng cường nỗ lực ngoại giao, kiên nhẫn và thực thi một chính sách linh hoạt, thực dụng và chủ động hơn.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho hay đã có cuộc trao đổi "rất hấp dẫn" với Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki ở Muních về nhiều vấn đề, trong đó có lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục đích nghiên cứu ở Tehran.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không có đề xuất mới nào và cuộc đối thoại đang được tiếp tục. Về phần mình, ông Mottaki cũng nhận định cuộc tiếp xúc với Tổng Giám đốc IAEA đã diễn ra "tốt đẹp".

Trước đó, hồi đầu tháng này, Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad cho biết Tehran "không phản đối" việc đưa urani đã được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) trong kho dự trữ của mình ra nước ngoài để làm giàu ở cấp độ cao hơn thành nhiên liệu.

Theo đề xuất của IAEA, Iran phải chuyển phần lớn lượng LEU của mình sang Nga và Pháp xử lý thêm và ra hạn chót là ngày 31/12/2009 để Iran chấp nhận đề xuất này. Tuy nhiên, Iran đã bỏ qua thời hạn đó và nêu đề xuất mới, theo đó các nước phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho Tehran hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy LEU của nước này, và việc trao đổi phải được thực hiện thành nhiều đợt.

Hiện, các bên vẫn chưa thống nhất được giải pháp trong khi Mỹ và Pháp đang thúc đẩy việc thông qua những biện pháp  trừng phạt mới đối với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục