Việt Nam ủng hộ cải cách hệ thống quản trị toàn cầu

Tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 15/4, Việt Nam khẳng định ủng hộ cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.
Ngày 15/4, phát biểu tại phiên thảo luận chung về chủ đề “Liên hợp quốc và quản trị kinh tế toàn cầu” của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam, đã khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các nỗ lực cải cách hệ thống quản trị toàn cầu hướng đến việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các thể chế quản trị toàn cầu.

Ông Hà Huy Tuấn nhấn mạnh tới việc cải thiện sự phối hợp chính sách giữa các quốc gia và bảo đảm tính dân chủ thông qua việc tạo điều kiện để các nước đang phát triển có tiếng nói và tham gia bình đẳng hơn, có khả năng tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo.

Ông Hà Huy Tuấn khẳng định Việt Nam chia sẻ những đánh giá cho rằng Liên hợp quốc cần tiếp tục là cơ quan điều phối và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, trong đó chú trọng xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu với các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư, viện trợ phát triển, chuyển giao công nghệ và tri thức giữa các nhóm nước. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc với các thể chế đa phương như G-20 và các thể chế khu vực khác.

Ông Hà Huy Tuấn cũng khẳng định Việt Nam đánh giá cao việc hình thành quan hệ đối tác đặc biệt giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà Việt Nam là một thành viên tích cực, với Liên hợp quốc, giúp tạo điều kiện để ASEAN đóng góp được nhiều hơn vào việc thực hiện các mục tiêu chung của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển trên thế giới, từ đó tăng cường hiệu quả triển khai các chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại một khu vực phát triển nhanh và năng động trên thế giới này.

Cũng tại phiên thảo luận chung, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 67, ông Vuk Jeremic có bài phát biểu khai mạc, nêu rõ trong những năm gần đây vai trò của các thể chế kinh tế, tài chính quốc tế và một số tổ chức khu vực được quan tâm đặc biệt, nhất là trong bối cảnh thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính và vấn đề nợ công ở mức cao. Chính vì vậy, mục tiêu tăng cường hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu sao cho hiệu quả, đóng góp tích cực cho môi trường kinh tế quốc tế, bảo đảm lợi ích chung của mọi quốc gia, càng trở nên cấp thiết hơn.

Đọc tham luận phiên thảo luận, đại diện các nước đều khẳng định sự cần thiết phải tăng cường cơ chế đối thoại, phối hợp chính sách một cách hiệu quả giữa các quốc gia ở tất cả các cấp và cho rằng Liên hợp quốc cần giữ vai trò trung tâm, là diễn đàn để các nước trao đổi thông tin và chính sách, đặc biệt là giữa Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) với các nước thành viên khác của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, để bảo đảm sự công bằng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển, các đại biểu tham dự hối thúc sự dân chủ hóa hơn nữa trong tổ chức và hoạt động của các định chế tài chính quốc tế nói trên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục