Mỹ, Israel bất đồng về đề xuất hòa bình Trung Đông

Cuộc thảo luận hai giờ về tình hình Trung Đông tối 20/5, tại Washington giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Israel đã kết thúc với nhiều bất đồng.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, sau cuộc gặp kéo dài gần hai giờ tại Nhà Trắng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết hai bên đã có cuộc nói chuyện "dài và cực kỳ hữu ích," nhưng thừa nhận hai bên có nhiều bất đồng về tiến trình hòa bình Trung Đông.

Thủ tướng Israel đã tới Washington tối 20/5 trong tâm trạng thất vọng và lo lắng sau bài phát biểu của Tổng thống Obama về chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Trong bài phát biểu quan trọng này, ông Obama đã tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Israel, đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine nên lấy đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967 làm cơ sở.

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã lập tức bác bỏ đề xuất này, cho rằng việc Israel từ bỏ toàn bộ Bờ Tây, trong đó có Jerusalem, và Cao nguyên Golan, sẽ đẩy các đường biên giới của Israel vào thế "không thể phòng thủ" và cho rằng Chính phủ Mỹ không hiểu về các vấn đề mà Tel Aviv đang phải đối mặt.

Báo chí Mỹ cho biết trước đó, các quan chức Nhà Trắng đã có một cuộc tranh luận về việc có nên đưa đề xuất đường biên giới năm 1967 vào bài phát biểu của Tổng thống Obama hay không. Có ý kiến phản đối vì cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp cho một đề xuất như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng các ý kiến đồng tình đã thắng và Thủ tướng Israel chỉ được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo ít phút trước khi bài diễn văn bắt đầu.

Ngoài vấn đề đường biên giới, ông Netanyahu nhắc lại việc ông muốn bố trí các lực lượng quân sự Israel dọc theo sông Jordan, mặc dù khu vực này có thể là một phần của nhà nước Palestine trong tương lai. Một vấn đề nữa là chính phủ thống nhất giữa đảng Fatah hiện kiểm soát khu Bờ Tây và lực lượng Hamas, vốn bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, kiểm soát Dải Gaza. Ông Netanyahu tuyên bố Israel không thể đàm phán với một chính phủ Palextin được Hamát hậu thuẫn.

Phía Palestine đã ngay lập tức chỉ trích phát biểu ở Washington của Thủ tướng Israel là "không thể chấp nhận được." Nhà thương thuyết hàng đầu của Tổng thống Palestine, ông Saeb Erekat, tuyên bố với phát biểu từ chối quay lại đường biên giới năm 1967, ông Netanyahu đã không còn là một đối tác của tiến trình hòa bình.

Đại diện của Tổng thống Palestine cũng nói rằng ông Netanyahu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự thất bại của tiến trình hòa bình và nỗ lực của Tổng thống Obama.

Tại Dải Gaza, phát ngôn viên của Hamas tuyên bố quan điểm của ông Netanyahu chứng tỏ việc thương lượng với Israel là vô nghĩa.

Trong khi đó, các nhà đàm phán thuộc nhóm "Bộ tứ" về hòa bình Trung Đông - gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc- ngày 20/5 đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quan điểm của Tổng thống Obama về vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine.

Trong một tuyên bố, nhóm "Bộ tứ" nêu rõ các thành viên của nhóm nhất trí rằng cách tiếp cận dựa trên cơ sở lãnh thổ và an ninh sẽ tạo nền tảng để Israel và Palestine đạt được giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột thông qua các cuộc đàm phán thực chất, nghiêm túc và thỏa thuận chung về mọi vấn đề trọng yếu.

Khẳng định hoàn toàn nhất trí về tính cấp thiết của việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, nhóm "Bộ tứ" một lần nữa mạnh mẽ kêu gọi các bên vượt qua những rào cản hiện nay và nối lại tiến trình đàm phán song phương trực tiếp mà không trì hoãn hay đưa ra các điều kiện tiên quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục