Khắc khoải ngóng chờ tin

Khắc khoải đợi tin người thân trên tàu Vân Đồn 02

Sau khi nhận được tin tàu Vân Đồn 02 bị đắm, người nhà của các thuyền viên đang khắc khoải từng phút đợi tin của các thủy thủ.
Khoảng 2 giờ 45 ngày 28/12, tàu Vân Đồn 02 thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Biển và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh, chở hơn 6.000 tấn phôi thép từ Kemanman (Malaysia) về Việt Nam đã gặp nạn tại khu vực nam Biển Đông. Thông tin ban đầu, 11 người trong tổng số 23 thuyền viên trên tàu đã thoát chết nhờ hai tàu cá có mặt ứng cứu kịp thời. Đến trưa 29/12, thêm một thuyền viên của tàu Vân Đồn 02 đã được cứu sống trong tình trạng sức khỏe yếu do bị thương. 11 thuyền viên vẫn đang mất tích. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm lưng chừng đồi tại phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), bà Lê Thị Hải Yến mẹ của Nguyễn Mạnh Hà, Đại phó (thuyền phó 1) của tàu Vân Đồn 02 vẫn chưa hết bàng hoàng. Đôi mắt hoe đỏ, ngân ngấn nước, bà nghẹn ngào: "Khoảng 14 giờ ngày 28/12 nhận được điện thoại của một người họ hàng thông báo tàu của cháu Hà gặp nạn, cả hai vợ chồng tôi đều hết sức hoảng loạn. Phải đến một lúc sau chúng tôi mới gượng dậy được để chạy xuống công ty của cháu hỏi tình hình xem thế nào. Hai vợ chồng vừa đến sân Công ty Cổ phần Vận tải Biển và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh, thì có một bác chạy ra ôm chầm lấy và nói 'gia đình yên tâm đi, cháu Hà cùng với 10 người nữa đã được một tàu cá gần đó cứu kịp thời. Cháu chỉ bị thương nhẹ thôi.' Lúc đó cả mấy gia đình chỉ biết ngồi an ủi nhau và hy vọng vào sự may mắn của số phận." Bà Yến cho biết thêm, ở nhà Hà rất ngoan, mỗi khi không phải đi tàu, Hà đều dành nhiều thời gian chăm sóc bố, mẹ và vợ con. Vào Công ty Cổ phần Vận tải Biển và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh đã được năm năm, Hà vừa học vừa làm và hiện đã là Đại phó (thuyền phó 1) của tàu Vân Đồn 02. Cùng tâm trạng với bà Yến là Nguyễn Thu Trang, vợ của thuyền viên Nguyễn Tiến Đạt, trú tại phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long. Vừa bế con trai 16 tháng tuổi, chị Trang vừa kể: "Sau khi người của công ty điện thoại thông báo, tàu của anh Đạt gặp nạn trên đường từ Malaysia về Việt Nam, bố mẹ em tức tốc ra cơ quan chồng em để nghe ngóng hỏi thăm tin tức. Mặc dù phía công ty báo rằng anh Đạt nằm trong số thuyền viên được tàu cá cứu sống nhưng cả ngày hôm nay mọi người trong gia đình vẫn cứ lo lắng, bần thần. Trước khi ra tàu để kịp khởi hành đi Kemanman (Malaysia), em vẫn còn nhớ dặn anh Đạt mang theo nhiều áo ấm vì nghe tin dự báo thời tiết rất lạnh." Khác với bà Yến và chị Trang, gia đình của thuyền viên Vũ Cao Đăng lặng chìm trong không khí buồn thương, lo lắng. Em Vũ Hồng Hạnh (con gái của thuyền viên Vũ Cao Đăng) nghẹn ngào tâm sự: "Bố em đi từ tháng Bảy và ông đã được nhận sổ hưu từ tháng Chín, nhưng do quy định nên ông vẫn phải đi nốt chuyến này mới được nghỉ hẳn. Tháng trước, khi tàu đang làm hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, bố vẫn gọi điện và bảo đến Tết này bố sẽ về hẳn và không phải đi xa nữa. Nào ngờ đến 12 giờ trưa 28/12, cả nhà em nhận được tin dữ. Và đến giờ này vẫn chưa có tin tức gì, không biết bố em sống chết ra sao." Chị Nguyễn Thị Gấp, Phòng Tổ chức- Hành chính Công ty Cổ phần Vận tải Biển và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh, cho biết ngay sau khi nghe tin báo có tai nạn xảy ra với tàu Vân Đồn 02, công ty đã nhanh chóng liên lạc với các đơn vị hữu quan và Bộ tư lệnh Hải quân để tìm mọi phương án cứu nạn. Công ty cũng đặt ra phương án, nếu tàu cứu hộ không về được đất liền nhanh nhất do thời tiết xấu thì sẽ đưa các thuyền viên đã được cứu sống về Côn Đảo trước, sau đó sẽ thuê máy bay đưa mọi người về Thành phố Hồ Chí Minh để cấp cứu người bị thương trong thời gian sớm nhất. Chị Gấp cũng cho biết, trước khi tàu gặp nạn, mọi người đã kịp thời mặc áo phao nên khả năng sống sót là rất cao./.
Danh sách 23 thuyền viên trên tàu Vân Đồn 02:

1. Nguyễn Danh Hải (sinh năm 1967, ở 528, Cẩm Thủy, Cẩm Phả, Quảng Ninh)
2. Nguyễn Mạnh Hà (sinh năm 1979, ở tổ 20A, khu 2A, Cao Xanh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh)
3. Vũ Văn Cao (1981, ở Tiên Lãng, Hải Phòng)
4. Nguyễn Duy Vững (1983, ở Nam Hồng, Nam Sách, Hải Dương)
5. Nguyễn Tiến Đạt (1982, ở 115B, tổ 57, khu 4, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh)
6. Lê Văn Diệu (1981, ở Hoàng Hóa, Thanh Hóa)
7. Vũ Mạnh Hùng (1961, ở số 23, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương)
8. Lê Văn Bấc (1959, ở Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh)
9. Vũ Xuân Đức (1989, ở tổ 77, khu 5, Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh)
10. Phạm Văn Thuận (1983, ở Quang Hưng, Thanh Hóa)
11. Phạm Văn Thứ (1985, ở Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình)
12. Phạm Quang Hải (1978, ở An Hải, Hải Phòng)
13. Lê Tuấn An (1982, ở cụm 2, Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội)
14. Trần Văn Chiến (1982, ở xóm 11, xã Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An)
15. Phạm Văn Tuyến (1975, ở Yết Kiêu, thành phố Hạ Long)
16. Vũ Thanh Tuyền (1985, ở An Thành, Quỳnh Phụ, Thái Bình)
17. Kiều Văn Dũng (1978, ở tổ 2, cụm 4, Bắc Sơn, Kiến An, Hải Phòng)
18. Vũ Cao Đăng (1957, ở Hà Tu, Hạ Long, Quảng Ninh)
19. Trần Văn Oanh (1973, ở số 206, Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng)
20. Đỗ Văn Toàn (1958, ở Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng)
21. Đỗ Thành Tú (1984, ở số 14/283, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Chân, Hải Phòng)
22. Phan Văn Nhất (1987, ở thôn Vũ Lao, xã Kỳ Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng)
23. Bùi Thế Mạnh (1988, ở Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam). 
Mạnh Tú-Mạnh Khánh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục