Tăng hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển

Nhu cầu tăng quan hệ quốc tế về biển, hội nhập quốc tế trên biển của Việt Nam nhằm phát triển kinh tế biển và hải đảo là rất lớn.
Trong bối cảnh mới với nhiều thuận lợi và thách thức, nhu cầu tăng cường quan hệ quốc tế về biển và hội nhập quốc tế trên biển nhằm phát triển kinh tế biển và hải đảo của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Việt Nam có lợi thế về biển với vùng biển rộng gấp ba lần diện tích đất liền, có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở vùng biển thềm lục địa và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa, dải bờ biển kéo dài trên 3.000km.

Biển Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, là tiền đề cho phát triển kinh tế đa ngành, đa mục tiêu, là một trong những tuyến hàng hải trong nước và quốc tế quan trọng, nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới. Vì vậy, biển đã góp tạo ra vị thế địa chính trị và địa kinh tế quan trọng của Việt Nam trong hình thế chiến lược phát triển toàn cầu và khu vực.

Vươn ra biển khai thác đại dương

Nhiều thế hệ người Việt đã xem biển như một không gian sinh tồn, một yếu tố trọng yếu của chiến lược phát triển kinh tế đất nước và là chỗ dựa sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển.

Trên thực tế, khai thác biển trong thời gian qua đã có một số thành tựu nhất định nhưng chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển Việt Nam.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng và công nghệ khai thác các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu trong khi khai thác một đơn vị biển đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn và yêu cầu trình độ công nghệ cao.

Môi trường hoạt động trên biển luôn khắc nghiệt trong khi điều kiện an sinh cho người và phương tiện hoạt động trên biển còn rất hạn chế. Thêm vào đó, mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường và tài nguyên biển đang thay đổi theo chiều hướng xấu. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu, năng lượng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết dẫn tới cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia thường xuyên và gay gắt hơn.

Từ những vấn đề trên, “Vươn ra biển, khai thác đại dương” đã trở thành khẩu hiệu hành động mang tính chiến lược của toàn thế giới và của Việt Nam, được thể hiện trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Theo tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Việt Nam cần tăng cường lợi ích các bên thông qua hợp tác quốc tế trên vùng biển chủ quyền quốc gia, đồng thời nhanh chóng tham gia “hưởng lợi” ở các vùng biển quốc tế ngoài quyề tài phán quốc gia trên tinh thần phù hợp với Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS).

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi cho biết hoạt động hợp tác quốc tế về biển ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm 22 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay đã có rất nhiều dự án hợp tác lớn nhỏ giữa các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và các cơ quan quốc tế.

Các hợp tác này tập trung điều tra, khảo sát theo mặt cắt ngang Biển Đông, các hệ sinh thái biển, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi ven thủy sản, nghề cá, bảo vệ môi trường biển, khu vực tiền châu thổ, chống suy thoái biển và xóa đói giảm nghèo…

Những hoạt động này đã cung cấp thông tin quan trọng cho phép hiểu được điều kiện tự nhiên biển, tình hình nguồn lợi biển, những thông lệ quốc tế về biển đồng thời tăng cường năng lực trong điều tra nghiên cứu biển.

Tuy nhiên đến nay, các đóng góp trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về biển đảo và phát triển kinh tế biển đảo, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, giải quyết tranh chấp trên biển vẫn còn hạn chế.

Trong khuôn khổ triển khai Đề án hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020, Tổng cục Biển và Hải đảo đã và đang thực hiện một loạt dự án hợp tác trong điều tra, nghiên cứu và quản lý tài nguyên môi trường biển với những cơ quan, tổ chức quốc tế lớn trên thế giới. Điển hình như dự án “Rừng ngập mặn cho tương lai” với IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế); “Phân vùng sử dụng và lập kế hoạch quản lý không gian vùng bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng” với NOAA Hoa Kỳ (Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ) và IUCN; “Cải thiện sức chống chịu của vùng bờ Việt Nam, Campuchia và Thái Lan với biến đổi khí hậu” do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Trong năm nay, đơn vị cũng có dự án hợp tác với Trung Quốc về hệ sinh thái ven biển, quản lý vùng bờ biển, trao đổi tư liệu khoa học biển; dự án hợp tác giữa Đức, Việt Nam và Trung Quốc về việc khảo sát vịnh Bắc Bộ, dự kiến kéo dài trong hai năm, từ 2012–2014. Kết quả của những dự án này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo.

Tăng cường năng lực nghiên cứu biển

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Hồng Long – Viện trưởng Viện Hải dương học cho rằng, trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam cần tiến hành trao đổi thông tin, tư liệu, cơ sở dữ liệu, mạng lưới hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm khắc phục các hạn chế về thiếu hụt tàu nghiên cứu và trang thiết bị.

Điều này đồng thời cũng giúp nâng cao trình độ, các phương pháp, kinh nghiệm trong công tác điều tra biển và góp phần hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới, hợp tác quốc tế về biển cần chú trọng giải quyết những nhiệm vụ ưu tiên như Tăng cường năng lực cho Việt Nam trong nghiên cứu khoa học biển, điều tra tài nguyên biển và ven biển; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học các vùng thềm lục địa và các quần đảo của Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên và môi trường biển; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; Tìm hiểu về đa dạng sinh học biển và các khu bảo tồn biển, bao gồm phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển, đảo.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi cũng nhận định, Việt Nam cũng cần tiếp tục mở rộng việc tham gia các diễn đàn, các tổ chức đối tác và mạng lưới, các nhóm công tác trong khu vực và quốc tế liên quan đến biển và đại dương, trong đó chú trọng mở rộng và thực hiện hợp tác quốc tế với các quốc gia có nguồn tư liệu cơ bản về biển để bổ sung và hoàn thiện cơ sở dữ liệu biển quốc gia.

Ngoài ra, Việt Nam nên chú trọng xúc tiến hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đánh giá tiềm năng băng cháy, chính sách biển và tăng cường năng lực khoa học- công nghệ biển và quản lý nhà nước về biển và hải đảo cho cả cấp Trung ương và địa phương.

Hợp tác quốc tế về biển sẽ giúp Việt Nam phát triển được tiềm lực, tranh thủ được các nguồn lực để tiết kiệm chi phí, với mục tiêu là xây dựng được cơ sở khoa học cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục