Nỗ lực hỗ trợ các lao động Việt trở về từ Libya gặp khó khăn

Lao động trở về Việt Nam từ Libya chưa kịp vui mừng vì an toàn thoát khỏi vùng chiến sự đã phải đối mặt với nỗi lo trả những món nợ chi phí trước khi đi xuất khẩu lao động.
Lao động trở về từ Libya đang nhận hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: TTXVN)

Dù thực tế chiến sự bùng phát dữ dội tại Libya là sự cố ngoài mong muốn, nhưng các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đã có nhiều hỗ trợ cho các lao động Việt Nam ở thị trường này phải về nước trước hạn.

Đáp lại những mong mỏi của người lao động, những chính sách hỗ trợ lao động trở về từ Libya đã được ban hành, lao động sẽ được hỗ trợ tiền mặt, chi phí máy bay.... Đặc biệt, các công ty phái cử cũng đã cam kết sẽ trả đầy đủ lương cho lao động và miễn phí dịch vụ cho lao động có nguyện vọng đi làm việc tại các nước khác.

"Ngóng" hỗ trợ

Lao động trở về Việt Nam từ Libya chưa kịp vui mừng vì an toàn thoát khỏi vùng chiến sự đã phải đối mặt với nỗi lo trả những món nợ trước khi đi xuất khẩu lao động.

Trở về từ vùng chiến sự Benghazi, anh Nguyễn Trung Hợi (quê xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) kể lại, ngay khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, toàn bộ lao động trên chuyến bay đều vỗ tay reo mừng vì đã thoát khỏi cảnh bom đạn và an toàn trở về. Thế nhưng, nỗi lo sợ về an toàn tính mạng qua đi cũng là lúc nỗi lo lắng về nợ nần, việc làm ập đến.

Đây là lần thứ 2 anh Nguyễn Trung Hợi sang Libya làm việc, lần trước anh sang lao động được khoảng 8 tháng, lần này đã được hơn một năm. Chi phí để anh Nguyễn Trung Hợi đi làm việc tại Libya hết khoảng hơn 40 triệu đồng, với lương cơ bản khoảng 400 USD/tháng. Anh Nguyễn Trung Hợi tâm sự, nếu đi làm được hơn 6 tháng và biết tiết kiệm thì có thể đủ trả nợ khoản tiền vay trước khi đi nhưng với những lao động nào đi chưa được 6 tháng đã phải về, sẽ rất khó khăn.

“Chúng tôi rất mong nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ lao động khó khăn, lao động phải về sớm để vượt qua giai đoạn này. Tôi cũng đang lo lắng chưa biết làm việc gì trong thời gian tới,” anh Nguyễn Trung Hợi nói.

Anh Nguyễn Vĩnh Thành (quê Thạch Thất, Hà Nội) sang Libya làm đốc công với mức lương cơ bản cao hơn là 750 USD cũng phải về trước hợp đồng . Anh Nguyễn Vĩnh Thành cũng lo ngại, nhiều lao động ký hợp đồng làm việc hai năm nhưng sang làm việc được chưa được một năm đã phải về, thì số tiền tiết kiệm sẽ không đủ bù chi phí lúc đi. Anh Nguyễn Vĩnh Thành cho biết, thậm chí có lao động mới làm việc hai tháng đã phải về, như vậy gánh nặng chi phí trước khi đi hơn 40 triệu rất lớn.

“Lương tháng cuối chúng tôi chưa được nhận được nên chúng tôi đang công ty thanh toán. Đặc biệt, đối với những lao động về sớm, rất mong có những chính sách hỗ trợ để hoàn lại một phần các chí phí trước khi đi và tạo việc làm ổn định. Những người đi xuất khẩu lao động là những người gia đình rất khó khăn, đã đi đến ‘đường cùng’ vì vậy chúng tôi rất mong chờ các chính sách hỗ trợ sắp tới để tiếp tục có việc làm, nuôi sống gia đình,” anh Nguyễn Vĩnh Thành tâm sự.

Hỗ trợ tiền mặt, trả lương đầy đủ

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ chi trả một số khoản như vé máy bay, chi phí xuất cảnh cho những lao động trở về từ Libya.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Mức hỗ trợ cho lao động sẽ được căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Đối với các lao động đi làm việc tại Libya trong thời gian ngắn, chưa hết hợp đồng sẽ được hỗ trợ tiền chi phí xuất cảnh. Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/lao động. Tuy nhiên, nếu tình hình lao động khó khăn, Bộ sẽ trình Chính phủ phương án hỗ trợ cao hơn.”

Lao động trờ về từ Libya sẽ được doanh nghiệp trả lương đầy đủ. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện phía các doanh nghiệp phái cử lao động cũng đã có những cam kết trong việc hỗ trợ lao động. Các doanh nghiệp đều có đại điện đi sang Libya đón lao động về. Khi lao động về đến sân bay đều nhận được một triệu đồng chi phí đi lại và doanh nghiệp cam kết sẽ tính lương đầy đủ cho lao động.

Mặc dù nhiều lao động đi làm việc tại Libya đã gần hết hạn hợp đồng, ít nhiều đã có khoản vốn tích lũy nhưng công ty Simco Sông Đà vẫn cam kết hỗ trợ tối đa cho lao động. Ông Nguyễn Ngọc Thạc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà cho biết: “Trước mắt, công ty đã hỗ trợ mỗi lao động một triệu đồng để có tiền về quê ngay khi xuống sân bay. Bước tiếp theo chúng tôi đã chuẩn bị các phương án cụ thể, chỉ chờ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có quyết định về việc hỗ trợ là thực hiện ngay lập tức”.

Theo Nguyễn Ngọc Thạch, chậm nhất ngày 30/8 doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng với người lao động. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp cũng sẽ trả lại một phần phí dịch vụ đã thu trước đó của người lao động.

“Hiện nay công ty đang có một số đơn hàng về xây dựng tại Qatar, Oman... vì thế các lao động trở về từ Libya có nhu cầu tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài sẽ được ưu tiên giới thiệu đi làm việc theo các đơn hàng này với mức phí thấp nhất,” ông Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định.

Giám đốc điều hành Công ty Vinamec ông Nguyễn Việt Hải cũng cho biết: Công ty Vinamec hỗ trợ lộ phí một triệu đồng/người. Phía nhà thầu Hyundai cũng đã bảo đảm trả lương cho người lao động đến ngày cuối cùng. Thời gian tới, Công ty Vinamec sẽ ưu tiên lao động trở về từ Libya đi làm việc theo các các đơn hàng khác của công ty miễn phí. Ngoài ra, phía Hyundai cũng có nhiều án ở nước ngoài và ưu tiên cho lao động Việt Nam làm việc ở dự án của họ trên thế giới. /.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ra quyết định 1012 /QĐ-LĐTBXH về hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn do tình hình bất ổn tại Libya.

Lao động sẽ được hỗ trợ chi phí mua vé máy bay cho người lao động về nước đối với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả.

Hỗ trợ bằng tiền đối với người lao động có thời gian làm việc tại Libya tính đến ngày 15/07 với các mức sau: 5.000.000 đồng/người đối với lao động có thời gian làm việc từ 3 tháng trở xuống, 3.000.000 đồng/người đối với lao động làm việc từ 3-6 tháng, 2.000.000 đồng/người đối với lao động có thời gian làm việc từ 6-12 tháng, 1.000.000 đồng/người đối với lao động làm việc từ trên 12 tháng./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục