"Tìm đến sự công bằng"

Nhạc sỹ Phó Đức Phương: "Chỉ tìm đến sự công bằng"

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời đã hơn 10 năm, nhưng sóng gió luôn dữ dội, nhạc sỹ Phó Đức Phương nói gì?
Vừa qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gửi đơn có chữ ký của 57 nhạc sỹ đến Cục Nghệ thuật biểu diễn kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước này chỉ cấp phép biểu diễn nghệ thuật sau khi các đối tượng xuất trình được bản quyền tác giả, tác phẩm biểu diễn.

Kết quả hồi âm không những không được gì mà vừa qua, chính đơn vị thắc mắc kia lại hứng trọn những nhát "búa rìu" công luận. Xung quanh việc này, Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Vietnam+.

- Khi bị nói Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không có thiện chí, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi cũng nghe một số người nói thế, rồi đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn là ông Trần Đức Thọ đã tiếp xúc với chúng tôi cũng nói đại ý không hiểu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, tôi đã làm rõ trong cuộc tiếp xúc đó rồi.

Là đơn vị được các tác giả ủy thác quyền, chúng tôi phải hoàn thành trách nhiệm của mình, mà cái trách nhiệm ấy muốn hoàn thành phải có sự tương tác, hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong đó có Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả cũng như các tác giả chỉ muốn Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét việc cấp phép biểu diễn của Cục đã gây ảnh hưởng như thế nào đến việc thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả âm nhạc thôi.
    
- Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng họ không có gì sai khi bỏ qua thủ tục phải kiểm soát việc thu phí bản quyền khi cấp phép biểu diễn cho các chương trình tổ chức biểu diễn, họ không là đơn vị thu tác quyền hộ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Căn cứ của họ là Quy chế 47. Theo ông, trả lời của Cục Nghệ thuật biểu diễn như vậy có thỏa đáng?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Thứ nhất, chúng tôi chưa bao giờ nhờ Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hộ tiền bản quyền âm nhạc cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Thứ hai, Quy chế 47 ra đời trước khi có Bộ Luật dân sự và tới nay cũng quá lỗi thời. Bộ Luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ ràng, sao cứ viện duy nhất Quy chế 47 ra?

Đó là các quy định tại Khoản 3, Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ quy định phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Việc xin phép này phải thể hiện bằng hình thức hợp đồng theo mẫu tại điều 48 luật này.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng trong thủ tục cấp phép không có yêu cầu các đơn vị phải trình hóa đơn đỏ để chứng minh mình đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền.Việc nêu yêu cầu “phải trình hóa đơn đỏ” là hiểu nhầm của phía Cục Nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi chỉ yêu cầu Cục trước khi cấp phép biểu diễn cho ai đó phải xem xét họ đã có đủ quyền sử dụng hợp pháp các tác phẩm đó chưa.

Trong tinh thần của kiến nghị gửi tới Cục Nghệ thuật biểu diễn đã khẳng định: “Chúng tôi, các nhạc sỹ và các tác giả lời ca ký tên dưới đây chính thức yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cấp phép cho các cá nhân, tổ chức biểu diễn cũng như các tổ chức xuất bản băng đĩa đã xin phép và được sự đồng ý của chúng tôi đúng như những quy định của luật pháp.”

Quyền đó được thể hiện trong hợp đồng đã ký với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền của các tác phẩm đó. Không khác gì cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm cấp phép xây dựng. Trước khi cấp phép cũng hỏi người xin phép phải chứng minh quyền sử dụng miếng đất đó.

Như vậy chúng tôi chỉ yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần làm đúng quy định pháp luật. Việc làm này tương tự như các thủ tục cấp phép trong một số các lĩnh vực khác.

- Ông giải thích thế nào về nội dung “tố ngược” của Cục Nghệ thuật biểu diễn, rằng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã đề nghị các nhạc sĩ ký khống rồi sau mới soạn thảo đơn từ để gửi đi?


Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Trong buổi làm việc với đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn vào sáng 24/2 tại Hà Nội, tôi cũng thẳng thắn cho biết việc các nhạc sỹ ký trước, đơn soạn sau, nhưng lá đơn đó được soạn đúng tinh thần nội dung ý kiến của các nhạc sỹ có mặt tại buổi gặp gỡ vào sáng 16/2 tại Hội Âm nhạc Hà Nội.

Chúng tôi chỉ thừa ủy quyền của các nhạc sỹ có mặt để soạn thảo nội dung rồi gửi kiến nghị tới Cục Nghệ thuật biểu diễn kèm theo chữ ký của các nhạc sỹ tham dự buổi hôm đó.

Bên cạnh một vài người rất nhỏ trong số đó (như vài báo đã nêu) cho là lá đơn nói quá mạnh, thì cũng không ít lại cho rằng lá đơn đã bày tỏ đúng mong muốn của họ. Chắc bạn cũng đã đọc những phản ảnh đó trên một số báo khác.   

- Từ việc kiến nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn vào cuộc cùng bảo vệ quyền tác giả mà kết quả còn ở “thì tương lai” nhưng nay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã và đang phải đương đầu với một số thông tin khá "sốc" như: Lương của ông khá cao, rằng doanh thu hàng năm của Trung tâm lên tới hơn 41 tỷ đồng, nhưng việc chi trả tiền bản quyền lại chưa đầy đủ… Rồi đến thông tin Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lạm quyền "thu hộ" tiền bản quyền cho nhạc sĩ Chế Linh mặc dù không được nhạc sĩ ủy quyền. Ông có thể nói gì về những thông tin này?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Bạn biết đấy, đấu tranh cho lẽ phải và công bằng luôn là đòi hỏi của lương tâm. Kết quả của nó đến đâu còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Và dĩ nhiên, có thể cuộc đấu tranh đó đã khiến ai đó tức giận và họ đã đưa ra những thông tin không chính xác về người đấu tranh, về cơ quan đấu tranh. Đó cũng là điều dễ hiểu.

Chuyện lương, bạn có muốn xem bảng lương của chúng tôi không? Xem đi để biết xem có đúng như báo chí nêu không? (Tại bảng lương của Trung tâm, lương của Giám đốc Phó Đức Phương là 10.192.000 đồng. Bảng lương có dấu của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội-PV).

Việc thu tiền trong chương trình Chế Linh biểu diễn ở miền Bắc thì tôi đã nói, hãy bỏ những tác phẩm của Tú Nhi (tức Chế Linh) ra ngoài, chỉ thu những bài của tác giả khác diễn trong chương trình đó thôi. Còn những chương trình khác ở phía Nam có biểu diễn nhạc Chế Linh, Trung tâm có thu tiền, vì có hợp đồng ủy thác của con trai Chế Linh là Chế Phi. Chúng tôi sẽ hủy bỏ hợp đồng đó khi nhận được tin từ Chế Linh là không ủy quyền cho con trai.

Còn việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam một năm thu trên 41 tỷ đồng, chi trên 34 tỷ 400 triệu đồng cho tác giả, đâu phải là chuyện nói ẩu một câu mà được. Phải công khai trên báo cáo hàng năm với trên 40 tổ chức tương ứng nằm ở gần 140 quốc gia mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có quan hệ đối tác. Nói cách khác có sự giám sát chặt chẽ với nhau, họ thu cho chúng ta, chúng ta thu cho họ, họ kiểm tra một cách đẳng cấp. Đâu phải đợi vài ba cái thắc mắc Trung tâm mới buộc phải kiểm toán quốc tế.   

- Có nghệ sỹ, nhà tổ chức biểu diễn đã “tố” ông trên báo về mức lương ngất ngưởng 45 triệu đồng/tháng, lại còn tiết lộ rằng sẽ thành lập một Trung tâm bảo vệ bản quyền khác để “tạo sự minh bạch, công tâm”. Ông có “"lo lắng" trước đối thủ (nếu có) này?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Việc ai đó muốn thành lập một Trung tâm bảo vệ bản quyền khác là chuyện của họ, tôi luôn tôn trọng những người có tâm huyết với công việc đầy khó khăn này.

Sự nghiệp mà chúng tôi đã và đang theo đuổi trong suốt 10 năm qua còn rất nhiều khó khăn trước mắt, mong muốn ước Luật pháp được thực thi, xã hội công bằng không của riêng ai.

-Vì sự nghiệp ấy mà Trung tâm đã buộc phải đối diện với Cục Nghệ thuật biểu diễn khi đâm đơn kiến nghị này, phải đứng trước khá nhiều nguy cơ, ảnh hưởng phức tạp, khó khăn, thậm chí có thể gây sống còn cho cơ quan, ông có ân hận?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cũng như cá nhân tôi, đâu có khiếu kiện, đấu tranh gì với Cục Nghệ thuật biểu diễn, gửi đơn kiến nghị đến đó chúng tôi chỉ tìm đến sự công bằng mà thôi.

- Xin cảm ơn ông!                       

Nguyễn Thụy Kha (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục