Trung Quốc cho phép sản xuất lúa ngô biến đổi gen

Trung Quốc chấp nhận các giống lúa và ngô biến đổi gen nhằm thúc đẩy đáng kể sản lượng và giúp tránh được thiếu hụt lương thực.
Mới đây, Trung Quốc đã chấp nhận các giống lúa và ngô biến đổi gen mà theo các chuyên gia sẽ thúc đẩy đáng kể sản lượng và giúp quốc gia đông dân nhất thế giới này tránh được tình trạng thiếu hụt lương thực.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cấp giấy phép sản xuất ban đầu cho giống lúa và ngô biến đổi gen, mở đường cho việc sản xuất thương mại các giống ngũ cốc có năng suất cao và chống chịu sâu bệnh.

Bộ này cho rằng đây là một thành quả quan trọng của ngành nghiên cứu công nghệ biến đổi gen ở Trung Quốc, song việc đưa các giống mới này vào sản xuất thương mại đòi hỏi một số giấy phép nữa.

Huang Dejun, nhà phân tích hàng đầu ở Beijing Orient Agribusiness Consultant nói Chính phủ Trung Quốc muốn ngành nông nghiệp được chuẩn bị cho khả năng thiếu hụt lương thực.

An ninh lương thực của nước này hiện vẫn đảm bảo, với lượng dự trữ dồi dào, song sẽ khó tránh khỏi khả năng thiếu lương thực, khi chất lượng sống được nâng cao, trong khi sản lượng lương thực giảm do diện tích đất canh tác bị thu hẹp và tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, công nghệ sinh học có thể cho ra đời các giống ngũ cốc có năng suất cao hơn 30%.

Tháng 7/2008, Trung Quốc nói nước này sẽ đưa vào sản xuất những giống lúa và ngô biến đổi gen có năng suất cao và kháng sâu bệnh nhằm đảm bảo lương thực cho 1,3 tỷ người dân.

Tuy nhiên, Greenpeace China nói thương mại hóa giống lúa biến đổi gen là "một thử nghiệm nguy hiểm" và kêu gọi Trung Quốc công bố những nghiên cứu về sức khỏe và môi trường trong quy trình cấp giấy phép.

Theo người tham gia chiến dịch lương thực và nông nghiệp của Greenpeace China, Lorena Luo, gạo là ngũ cốc quan trọng nhất của người Trung Quốc, vì thế họ có quyền biết gạo biến đổi gen có gây ra rủi ro về sức khỏe hay không.

Trung Quốc đóng góp khoảng 20% sản lượng ngô và 30% sản lượng gạo của thế giới. Tháng 7/08, chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực trong trung và dài hạn, nhằm duy trì sản lượng hàng năm trên 500 triệu tấn vào năm 2010 và tăng lên hơn 540 triệu tấn vào năm 2020.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc đảm bảo đủ lương thực cho 1,3 tỷ người dân trong những thập kỷ tới, khi hiện tượng đô thị hóa và biến đối khí hậu là hai khó khăn chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục