Quy mô sản xuất của TQ lần đầu tiên giảm sau 3 năm

Chỉ số quản lý thu mua trong tháng 11/2011 giảm xuống 49 điểm, giảm 1,4 điểm so với tháng trước và là thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2011 giảm lần đầu tiên trong gần 3 năm qua trong bối cảnh quan ngại ngày càng tăng rằng cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu then chốt của nước này.

Theo Hiệp hội hậu cần và thu mua Trung Quốc (CFLP), Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 11/2011 đã giảm xuống 49 điểm, giảm 1,4 điểm so với tháng trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Cụ thể, 10 lĩnh vực công nghiệp, trong đó có chế tạo phương tiện vận tải, sản xuất thuốc lá và hóa dầu, PMI đạt trên 50 điểm, trong khi các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, sản xuất đồ điện gia dụng và luyện kim màu đều giảm dưới 50 điểm.

PMI là chỉ số đánh giá quy mô sản xuất của nền kinh tế, theo đó PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất mở rộng, trong khi thấp hơn 50 điểm là dấu hiệu của tình trạng thu hẹp sản xuất.

Tuần trước, ngân hàng HSBC cũng công bố dữ liệu sơ bộ về PMI của Trung Quốc, theo đó chỉ số quy mô sản xuất của Trung Quốc giảm từ 51 điểm xuống 48 điểm, mức thấp nhất trong 32 tháng qua, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này khó "hạ cánh an toàn."

Những thông số mới nhất về PMI được công bố một ngày sau khi Chính phủ Trung Quốc cắt giảm mức dự trữ ngân hàng lần đầu tiên trong ba năm qua nhằm giúp tăng cường hoạt động cho vay và thúc đẩy tăng trưởng nhằm đối phó với các dấu hiệu suy giảm sản xuất trong nước và khủng hoảng tại các thị trường xuất khẩu trọng yếu.

Động thái trên - bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12 - là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Bắc Kinh muốn nới lỏng các biện pháp thắt chặt tín dụng, vốn mang lại hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát và bình ổn giá bất động sản hiện đang có dấu hiệu trầm lắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục