Người tạo “bệ phóng”

Người tạo “bệ phóng” cho nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam

Ở tuổi ngoại bát tuần, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng được biết đến như một người tạo "bệ phóng" phát triển cho nhiều họa sỹ trẻ Việt Nam.
Ở tuổi ngoại bát tuần, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng vẫn bươn bả khắp Á cùng Âu. Theo dấu chân bà, nhiều họa sỹ trẻ Việt Nam và tác phẩm của họ đã có mặt ở Singapore, Paris (Pháp), London (Anh) và cả thủ đô Washington của Mỹ.

Thoát ra từ tháp ngà nghệ thuật vây hãm chính mình, họ đem sắc màu vắt qua biên giới, giúp bạn bè quốc tế khám phá và hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Gặp bà tại Hongkong (Trung Quốc) trong dịp kỷ niệm lần thứ 65 ngày Quốc khánh Việt Nam và 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, là lần đầu tiên tôi được diện kiến người phụ nữ vốn nghe danh đã lâu.

Đối với bà, Hongkong tuy không còn là nơi xa lạ trên những nẻo đường viễn du, nhưng đây lại là lần đầu tiên bà mang tranh Việt Nam tới để giới thiệu. Vẫn còn nguyên cảm xúc của chuyến mang tranh “đấm” xứ người đầu tiên cách đây 20 năm, bà tâm sự: “Hồi hộp lắm! Lần nào cũng vậy.”

Rồi bà lặng lẽ quan sát từng ánh mắt và sự biểu lộ trên nét mặt những người đến thưởng lãm tranh, mà trong đó không ít là bật ra từ sự sáng tạo của những cái tên vô danh ngay cả đối với làng hội họa Việt Nam. Tôi biết, bà đang vỡ òa. Ở khóe mắt người phụ nữ từng một thời là phóng viên chiến trường của Đài Truyền hình Việt Nam, lệ đã rịn ra.

Quảng trường Rotunda Exchange ở giữa trung tâm Hongkong rộng là thế mà nay sao trở nên chật chội. Ai cũng muốn tới sát để mục kích sở thị lão họa sĩ Mai Long trổ tài vẽ tranh trên lụa. Ai cũng muốn lại gần để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam hiện lên dưới nét cọ của chính những người con Việt Nam.

Ông Michael, một vị khách tham quan ngẩn ngơ trước bức tranh “Mùa hè” của họa sĩ Dương Ngọc Sơn, nói với tôi đầy vẻ ngạc nhiên: “Tôi cứ ngỡ Việt Nam chỉ có Sáng-Nghiêm-Liên-Phái, ai ngờ sau họ, trong lớp họa sĩ trẻ Việt Nam vẫn còn không ít tài năng.”

Bà đã khóc khi nghe được lời nhận xét trên như thể chính mình đã “thai nghén” ra tác phẩm ấy. Tôi đồ rằng ẩn trong những giọt lệ ấy là niềm vui của người phụ nữ mấy chục năm gắn bó với sự nghiệp nâng đỡ các tài năng hội họa trẻ của Việt Nam.

Từ khi mở phòng tranh vào năm 1990, thay vì mua tranh của các họa sỹ nổi tiếng cho dễ bán nhằm quay vòng vốn nhanh, bà đã mạo hiểm hướng tới các họa sỹ trẻ vô danh.

Để phát hiện ra họ, bước chân bà ngang dọc đất nước, từ Thành phố Hồ Chính Minh, ra Hà Nội, đến với Huế, rồi Hội An. Để họ yên tâm sáng tác, thỏa chí chơi trò tung hứng giữa cọ và mầu, bà sẵn sàng mua hết những bức tranh họ vẽ ra.

Để tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với nền hội họa thế giới, mỗi lần mang tranh ra nước ngoài triển lãm, bà lại dẫn theo vài họa sỹ trẻ, cho họ tham quan các bảo tàng nghệ thuật sở tại nổi tiếng cùng tranh của các danh họa trưng bày ở đó.

Sau những chuyến đi như vậy, bà cho biết, các họa sỹ trẻ đã có những thay đổi tư duy nghệ thuật rất rõ rệt, nét cọ đẹp ra và đậm hồn hơn.

Họa sỹ trẻ Nguyễn Văn Hải vẫn nhớ như in cái ngày mình mới vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Thời gian đầu, cùng chiếc xe đạp cà tàng, anh lang thang tìm việc ở hết phòng tranh này đến phòng tranh khác, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. May mắn đến với anh khi đang làm phụ tá cho họa sỹ Đỗ Xuân Doãn.

Nhìn tranh của Hải, bà biết chàng họa sỹ trẻ này sẽ có tương lai nếu có điều kiện phát huy. Quả thật, khi được bà giúp đỡ, thoát khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền, Hải đã có sự thăng hoa trong sự nghiệp.

Tranh của anh từ chỗ cho không ai lấy, giờ đã được mang đi triển lãm ở nước ngoài và bán được hàng ngàn USD mỗi bức.

Nhận xét về “ân nhân” của mình, Hải cho biết: “Cái quý của bà Phượng là luôn biết trân trọng sự sáng tạo của họa sỹ. Bà không bao giờ ép chúng tôi “uốn” cọ theo mong muốn cá nhân. Những ý kiến của bà chỉ mang tính gợi mở của một người trải nghiệm, nhiều năm làm đạo diễn phim, giúp chúng tôi nâng tầm sáng tạo.”

Bà vui vì sự trưởng thành trong nghề nghiệp của Hải cũng như nhiều họa sỹ trẻ khác được bà giúp đỡ ngay cả khi họ trở nên nổi tiếng và dứt áo bà ra đi. Cuộc đời vốn sắc sắc không không, bà tâm niệm vậy, nên vẫn cứ cặm cụi trên con đường đã chọn. Một lý do quan trọng khác khiến bà gắn bó với sự nghiệp phát triển tài năng hội họa trẻ là muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về nền nghệ thuật đương đại Việt Nam nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Mang tranh Việt Nam ra nước ngoài triển lãm, bà mới biết nhiều “ông Tây”, bà đầm” chỉ biết Việt Nam qua chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, mà chưa hiểu nhiều về 4.000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Thưởng lãm tranh đương đại của Việt Nam, họ ngạc nhiên trước một Việt Nam mộc mạc, yên bình và nhân văn, họ khâm phục sức sáng tạo đến kỳ lạ của các họa sỹ trẻ Việt Nam.

Những cảm nghĩ ấy họ lưu lại trên cuốn sổ lưu bút của những lần triển lãm tranh tại nước ngoài do Phòng tranh Lotus của bà tổ chức và bà lưu giữ chúng một cách trân trọng. Đó không phải vì người già thường sống trong hoài niệm, mà bà muốn tạo thêm nguồn động lực để tiếp tục con đường đã chọn. “Trời còn cho mình sức khỏe, mình còn phải làm việc và nghĩ ra việc để làm,” bà tâm sự./.

Hà Ngọc (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục