VN hình thành ngành công nghiệp khí vững mạnh

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN đang triển khai hàng loạt các dự án khai thác khí lớn ngoài khơi, nâng sản lượng khí đạt 15 tỉ m3 vào 2015.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang triển khai hàng loạt các dự án khai thác khí lớn ngoài khơi, để nâng sản lượng khí cung cấp đạt 15 tỉ m3 khí vào năm 2015 góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Song song, Tập đoàn cũng nhanh chóng triển khai dự án nhập khẩu khí LNG từ các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan vào cuối năm 2013, đồng thời lên kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống thu gom khí, đảm bảo nhu cầu phát triển của đất nước.

Ngày 8/7/2011, Tập đoàn đã tổ chức hội nghị công nghiệp khí Việt Nam tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), để triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

Ngành công nghiệp khí Việt Nam hình thành và phát triển từ ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, với sự giúp đỡ của Liên Xô bắt đầu từ mỏ khí thiên nhiên Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Tuy nhiên, lượng khí ở mỏ khí này rất hạn chế, chỉ khoảng 24 triệu m3/năm. Phải đến năm 1986, khi liên doanh dầu khí Việt-Xô khai thác được tấn dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ngành công nghiệp khí của đất nước mới thực sự được khởi động lại.

Một kế hoạch tổng thể về sử dụng khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đã được khẩn trương soạn thảo với sự tư vấn của nhà thầu Canada SNC Lavalin. Đến ngày 26/5/1995, hệ thống đường ống dẫn khí Bạch Hổ-Long Hải-Dinh Cố-Bà Rịa dài 124km công suất 2 tỉ m3/năm đưa vào vận hành, khai thác đã chính thức đưa ngành công nghiệp khí của đất nước bước sang một trang mới, phát triển mạnh mẽ.

Các công trình khí liên tục hoàn thành sau đó như: giàn nén khí nhỏ, giàn nén khí lớn mỏ Bạch Hổ, mở rộng đường ống dẫn khí vào bờ, nhà máy xử lý khí Dinh Cố, kho chứa và cảng xuất Thị Vải, đường ống dẫn khí từ mỏ Rạng Đông về mỏ Bạch Hổ đã nâng công suất vận chuyển khí vào bờ từ 2 triệu m3/ngày lên 5,7 triệu m3/ngày vào tháng 11/2001.

Ngay sau đó, tháng 12/2002, dự án khí Nam Côn Sơn liên doanh với tập đoàn dầu khí BP và Conocophillips với tổng công suất 7 tỉ m3 khí/năm hoàn thành cung cấp một lượng khí lớn cho các nhà máy điện, đạm, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu hoạt động. Và đến tháng 4/2007, dự án khí MP3-Cà Mau công suất 2 tỉ m3/năm đã hoàn thành, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của ngành công nghiệp khí đất nước.

Đến nay, 3 hệ thống đường ống dẫn khí trên đã cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất 36 tỉ kwh điện/năm (tương đương 40% tổng sản lượng điện quốc gia), 800.000 tấn đạm/năm (bằng 30% tổng sản lượng đạm cả nước), 100.000 tấn xăng tương ứng 5% sản lượng điện và 250 tấn LPG/năm (chiếm 30% LPG cả nước)./.

Đoàn Mạnh Dương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục