Mỹ huy động trí tuệ khoa học xử lý dầu loang

Mỹ huy động giới khoa học để xử lý dầu loang

Chính phủ Mỹ đã huy động những "bộ óc siêu việt nhất" trong giới khoa học để cùng giải quyết sự cố dầu tràn tại Vịnh Mexico.
Ba tuần sau vụ chìm giàn khoan Deepwater Horizon làm 11 người thiệt mạng và gây thảm họa dầu loang trên Vịnh Mexico, ngày 12/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi huy động mọi phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất để giúp Tập đoàn xăng dầu BP của Anh - công ty thuê giàn khoan trên - giải quyết sự cố này.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steven Chu tuyên bố: "Những bộ óc siêu việt nhất trong giới khoa học Mỹ đã được triệu tập để giải quyết sự cố dầu tràn."

Ông Chu, người từng nhận giải Nobel Vật lý, cho biết các nhà vật lý học, kỹ sư và các nhà địa chất học xuất sắc nhất trong lĩnh vực của họ đã nhóm họp ở thành phố Houston của bang Texas - nơi đặt trụ sở điều hành của BP ở khu vực Bắc Mỹ, để đề xuất các biện pháp ngăn chặn vệt dầu tiếp tục lan rộng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ken Salazar, phụ trách quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ, nhấn mạnh cuộc họp ở Houston không phải là một hành động "bỏ phiếu bất tín nhiệm" hay động thái nghi ngờ đối với BP cũng như khả năng của công ty này trong việc xử lý vấn đề.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Mỹ phải đích thân vào cuộc là do người dân Mỹ đang "vô cùng hoang mang" vì những nỗ lực khắc phục dầu tràn của BP chưa mang lại kết quả khả quan.

Mục đích của việc tập hợp các nhà khoa học hàng đầu trên là nhằm đưa ra một cách nhìn mới đối với những giải pháp lựa chọn cũng như đề xuất các biện pháp khác để xử lý sự cố dầu tràn.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng sẽ giúp thu thập tối đa các thông tin nhằm ngăn chặn nguy cơ lặp lại một thảm họa tương tự.

Từ khi xảy ra sự cố ngày 22/4 đến nay, mặc dù đã rất nỗ lực và đạt nhiều tiến bộ, song mỗi ngày vẫn có thêm khoảng 800.000 lít dầu thô đổ ra vùng biển ngoài khơi phía Đông Nam nước Mỹ.

Các hình ảnh thu được qua video do BP công bố cho thấy dầu đang trào ra từ một đường ống bị vỡ nằm ở độ sâu 1.500 mét so với mặt biển, trông như một mạch nước phun.

Tới thời điểm này, BP đã phải rút lại chiếc phễu kim loại nặng gần trăm tấn được đưa tới Vịnh Mexico hồi tuần trước để khoanh vùng và hút lớp dầu tràn nằm dưới mặt biển.

Một chiếc phễu khác nhỏ hơn dự kiến sẽ được chuyển tới khu vực dầu tràn vào cuối tuần này. BP cũng cam kết đưa ra những giải pháp khác để ngăn chặn dầu tiếp tục loang ra.

Liên quan đến nỗ lực ngăn chặn thảm họa "thủy triều đen," Chính quyền Obama cùng ngày 12/5 đã đề nghị quốc hội tăng thuế đối với các công ty khai thác dầu khí.

Số tiền này dự kiến sẽ được sung quỹ để sử dụng trong trường hợp cần thiết phải đối phó với thảm họa dầu loang.

Theo đề xuất, các công ty dầu khí sẽ phải nộp thêm 1 cent/thùng dầu thô, nâng mức chi tiêu tối đa hiện nay từ 1 tỷ USD lên 1,5 tỷ USD.

Nếu đề xuất này được thông qua, mức thuế mà các công ty dầu khí phải nộp từ năm nay sẽ là 9 cent/thùng dầu và con số này sẽ tăng lên 10 cent kể từ năm 2017.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Môi trường Mexico Juan Rafael Elvira ngày 13/5 cho biết Mexico đang tiến hành điều tra xem liệu sự cố dầu loang trên Vịnh Mexico có gây tác động tiềm tàng nào tới quốc gia này hay không.

Hiện Bộ Môi trường đã tiến hành các nghiên cứu để xác định tác động về mặt môi trường đối với Mexico sau thảm họa dầu loang này.

Ông Elvira còn cho biết cuộc điều tra đang được phối hợp với Mỹ và mỗi nước sẽ có trách nhiệm làm sạch môi trường nước bên phía lãnh thổ của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục