Dịch vụ ăn uống: Tăng giá hay giảm chất lượng?

Ngay sau khi các mặt hàng xăng, gas tăng giá, các cửa hàng ăn uống tại Hà Nội đua nhau tăng giá với lý do bù lỗ do nguyên liệu tăng.
Ngay sau khi các mặt hàng xăng, gas tăng giá, các cửa hàng ăn uống tại Hà Nội lại đua nhau tăng giá với lý do bù lỗ do nguyên liệu tăng.

Đua nhau tăng giá

Một trong những mặt hàng dẫn đầu cuộc đua tăng giá theo mức tăng của gas có lẽ là hàng thực phẩm ăn uống. “Tăng giá vì giá gas tăng” đã trở thành điệp khúc khá quen thuộc nhưng lần này người tiêu dùng vẫn không khỏi bất ngờ khi nhiều giá nhiều hàng ăn “tăng vọt”.

Chị Thu Trang (Kim Mã, Hà Nội) bức xúc: “Cửa hàng phở bò ở gần nhà tôi mấy hôm trước vẫn chỉ 25.000 đồng/bát, thế mà, sau hôm gas và xăng tăng giá, cửa hàng này đã nhanh chóng nâng giá lên 30.000 đồng/bát.”

Nhiều cửa hàng kinh doanh bún, phở... đã thông báo tăng giá thêm từ 3.000-5.000 đồng/bát ngay sau khi giá gas tăng với lý do “gas tăng cao quá, đun gas tốn kém quá, nếu vẫn giữ giá cũ thì không còn lời lãi”.

Giá cả ở Hà Nội mấy năm trở lại đây tăng liêc tục, mỗi dịp xăng, gas tăng giá là người tiêu dùng lại "thót tim" vì giá dịch vụ ăn uống lại ồ ạt điều chỉnh tăng.

Giá cơm văn phòng cũng tăng ở mức "chóng mặt", trung bình tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/suất mặc dù trước đó, ra Tết nhiều cửa hàng vừa điều chỉnh tăng giá. Tại một quán cơm bình dân trên đường Láng, giá một suất cơm tăng thêm 5.000 đồng lên mức 30.000 đồng/suất. Dù  chỉ là quán ăn bình dân nhưng giá mỗi suất cơm ở đây cũng dao động từ 30.000-50.000 đồng/suất.

Ngay cả những hàng kinh doanh ăn uống nhỏ cũng tăng giá, trứng vịt lộn tăng giá từ 6.000 đồng lên 7.000 đồng/quả, cháo lòng, cháo trai... hàng ngày có giá 10.000 đồng/bát giờ cũng đã tăng lên 12.000-15.000 đồng/bát…

Anh Hùng, nhân viên văn phòng có trụ sở làm việc trên đường Láng than thở "Với đà tăng giá này thì riêng tiền ăn trưa cũng phải tốn hơn một triệu một tháng là ít, trong khi còn bao nhiêu khoản tiền phải lo cho cuộc sống gia đình".

Giữ giá thì giảm chất lượng


Một vài chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống lại lo sợ tăng giá sẽ giảm lượng khách hàng nên quyết định giữ giá nhưng giảm lượng hàng.

Chị Thanh, chủ một cửa hàng cơm bình dân cho biết: “Vẫn cùng mức giá cũ nhưng mỗi thứ tôi gắp cho khách ít hơn một chút, chứ không tăng giá từng suất lên, khách nào yêu cầu thêm thì tôi tính tiền thêm thôi. Tăng giá liên tục tôi sợ mất khách.”

Lượng khách tại quán bún riêu của chị Hương giảm sút nghiêm trọng trong khi giá nguyên, nhiên liệu và giá thuê cửa hàng đều tăng. Chị Hương than thở: "Trước kia bán hàng ăn tính lãi được từng ngày thì nay thấy lỗ từng ngày vì lượng khách ngày càng ít đi, trong khi còn phải chi nhiều khoản như nguyên liệu, thuê nhà, thuê nhân viên. Cứ thế này chắc tháng này cửa hàng tôi lỗ mất. Hiện tại, tôi đã giảm bớt lượng nguyên liệu nhập về hàng ngày."

Giá dịch vụ ăn uống tăng, các chủ cửa hàng khiến người tiêu dùng đề phòng tăng giá, thắt chặt chi tiêu dẫn đến lượng khách hàng, doanh thu giảm sút nghiêm trọng.

Anh Mạnh (Trường Chinh, Hà Nội) tâm sự: "Giá cả tăng vọt như thế này chắc tôi phải hạn chế đi ăn ngoài. Bây giờ ra ngoài ăn ở đâu cũng cảm giác như đang bị ‘chặt chém’ trong khi kinh tế vẫn khó khăn, thu nhập hầu như không tăng.”

Nếu các cửa hàng cứ vin vào cớ giá xăng, giá gas tăng giá phi lý sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao chi tiêu, các cửa hàng ăn uống cũng sẽ điêu đứng. Do đó, nhiều cửa hàng cũng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tăng giá vì sợ rơi vào thảm cảnh mất khách dẫn đến thua lỗ.

Anh Đạt, chủ một nhà hàng trong khu Định Công cho biết: "Lượng khách hàng gần đây giảm hẳn, trong khi các loại chi phí nguyên liệu đều tăng, tôi chưa dám làm thực đơn niêm yết giá mới vì sợ lượng khách hàng vì tăng giá sẽ còn giảm nữa. Có thể tôi sẽ cắt giảm nhân viên chứ chưa thể tăng giá ngay được, mặc dù làm thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhưng đành vậy."/.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục