Khai mạc phiên họp 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của các dự án Luật như trọng tài thương mại; thi hành án hình sự.
Sáng 18/1, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong hai ngày 18-19/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của các dự án Luật.

Đó là các vấn đề trọng tài thương mại; thi hành án hình sự; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; an toàn thực phẩm; bưu chính; người khuyết tật.

Trao thẩm quyền cho Trọng tài thương mại trên cơ sở thực lực

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày nêu rõ 6 vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là dự thảo Luật trọng tài thương mại về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại; tiêu chuẩn Trọng tài viên; Trọng tài có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng ký phán quyết Trọng tài vụ việc; thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thu thập chứng cứ và Tòa án hỗ trợ Hội đồng Trọng tài thu thập chứng cứ.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu dự họp cơ bản nhất trí với những vấn đề nêu trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp, đồng thời cũng mở rộng thêm một số ý cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Các ý kiến đều tán thành với phương án 1 của Dự thảo Luật về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại. Theo đó, Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên liên quan đến hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác.

Lý do là hiện nay, khái niệm “hoạt động thương mại” đã được mở rộng phạm vi, mặt khác đây cũng là để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý hoạt động trọng tài là hoạt động còn mới, chưa phổ biến, thực tế giải quyết các vụ việc còn chưa nhiều; hiệu lực, hiệu quả chưa thực sự cao, do đó cũng cần căn cứ thực tế để quy định phù hợp. Xử lý các tranh chấp thông qua các thiết chế phi tòa án, nhấn mạnh yếu tố hòa giải... là hướng cần ủng hộ, tuy nhiên, việc trao thẩm quyền đến đâu cũng cần căn cứ vào thực lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đặt vấn đề những tranh chấp trong hợp đồng dân sự khác khi các bên thỏa thuận phương thức giải quyết là thông qua trọng tài thì có được phép không, trình tự, thủ tục như thế nào.

Các đại biểu cũng đồng tình với việc quy định cụ thể tiêu chuẩn trọng tài viên, cho rằng như vậy là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và giúp cho việc quản lý nhà nước về trọng tài được chặt chẽ. Mặt khác việc này là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với Trọng tài viên và các tổ chức trọng tài.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần cân nhắc thận trọng, bàn kỹ thêm về việc giao thẩm quyền cho Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Xem xét việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét về việc bổ sung dự án Luật đầu tư công và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung dự án Luật đầu tư công vào Chương trình nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc đầu tư ngân sách nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 66 để quy định chi tiết và điều chỉnh tiêu chí về quy mô vốn đầu tư cần được trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với việc đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia ra nước ngoài, góp phần minh bạch hóa các quy định trong lĩnh vực đầu tư, thúc đẩy cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong dự thảo Luật đầu tư công, khái niệm “Đầu tư công” được hiểu là đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước vào các ngành lĩnh vực phục vụ lợi ích chung, không nhằm mục đích kinh doanh; hẹp hơn khái niệm tài chính công hoặc chi tiêu công xét về nội dung chi và hẹp hơn khái niệm đầu tư công cộng xét về đối tượng chi.

Cho ý kiến về vấn đề này, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tuy nhiên dự án Luật đầu tư công là dự án quan trọng, có nội dung phức tạp, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về đầu tư của nhiều bộ, ngành.

Dự thảo Nghị quyết tuy nội dung sửa đổi, bổ sung không nhiều nhưng nhiều vấn đề cần được thảo luận và chuẩn bị kỹ; không chỉ liên quan đến vấn đề chi tiêu ngân sách nhà nước mà còn cả về những tiêu chí, quy mô vốn đối với dự án... Do đó, các đại biểu đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp (kỳ 7 và kỳ 8)./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục