Thâm thù Đức-Hà Lan

Bí mật về mối "thâm thù" của Hà Lan đối với Đức

Sự kình địch giữa Hà Lan-Đức đã kéo dài lâu nay, trên cả khía cạnh thể thao lẫn địa chính trị, với những cuộc chiến theo nghĩa đen.
EURO 2012. Nga đối đầu Ba Lan. Anh chạm trán Pháp. Đức đấu Hà Lan. Đó là những trận đấu giữa những đối thủ mà sự kình địch giữa họ đã kéo dài nhiều thế kỷ, trên cả khía cạnh thể thao lẫn địa chính trị. Trong số này, trận Đức-Hà Lan vào đêm nay được xem là gay cấn nhất. Nó làm người ta nhớ tới trận chung kết World Cup 1974, khi Đức giành chiến thắng tại quê nhà, nhưng trên sân cỏ các cầu thủ đã có một cuộc chiến thực thụ với nhau, theo nghĩa đen. Chiến lược gia quân sự Prussian Carl von Clausewitz từng có câu nói nổi tiếng rằng " chiến tranh đơn giản là sự tiếp nối của chính trị, nhưng bằng những phương tiện khác", trong khi đó nhà văn Anh George Orwell ví thể thao quốc tế cũng là một cuộc chiến, "chỉ thiếu mỗi tiếng súng".
[Bóng ma quá khứ và hiện tại ám ảnh EURO 2012]
Một trong những tác phẩm ít còn được bàn luận của ông trong thời gian hiện nay là bài báo "The Sporting Spirit" (Tinh thần thể thao), xuất bản trên tạp chí cánh tả Tribune hồi năm 1945, trong đó khẳng định chắc nịch rằng "thể thao nghiêm túc chẳng có chỗ nào cho cái gọi là chơi đẹp." "Các cuộc thi đấu gắn chặt với sự thù ghét, ghen tị, sự huênh hoang, bất chấp luật lệ và cảm giác hài lòng một cách tàn bạo khi chứng kiến bạo lực" - ông viết. Thời hiện đại hẳn mọi thứ đã không còn như những gì từng được Orwell phản ánh, nhưng rõ ràng trận đấu giữa Đức và Hà Lan sẽ không phải là cuộc gặp gỡ của những người bạn lâu năm thân thiết. Hậu vệ Đức Mats Hummels nói rằng người Hà Lan sẽ phải tham gia một cuộc sinh tử chiến để giành vé vượt qua vòng loại ở bảng tử thần, không những đã ám chỉ tới lịch sử đối đầu giữa đôi bên, mà còn phản ánh tình thế của Hà Lan sau khi họ thua rất sốc trước Đan Mạch. "2 nước đã có một lịch sử đối đầu lớn, vì thế mỗi đội sẽ phải cống hiến 100%. Họ sẽ phải thắng và chúng tôi thì muốn giành vé vào vòng tứ kết" - anh nói với các phóng viên. Trên quan điểm bóng đá, hai đội đều rất mạnh. Cả 2 đều đã thắng 19/20 trận đấu loại trước vòng chung kết EURO 2012, trong đó Hà Lan có trận thua duy nhất trước Thụy Điển sau khi họ đã có tấm vé tới Ba Lan và Ukraine. Nhưng sự đối đầu giữa 2 đội đã vượt quá khuôn khổ bóng đá, đặc biệt là với Hà Lan, những người bị quân phátxít Đức chiếm đóng suốt 5 năm trong thời Thế chiến thứ 2. Có 2 trận đấu điển hình cho thấy quá khứ vẫn chưa bị quên lãng dù thời gian trôi qua đã lâu. Sau khi bị thua trong trận chung kết World Cup 1974, những người Hà Lan, vốn tràn trề hy vọng chiến thắng, đã cảm thấy vô cùng đau khổ. Cựu danh thủ Wim van Hanegem là một trong những người thể hiện rõ nhất tình cảm của người Hà Lan khi đó: "Họ (phát xít Đức) đã giết cha đẻ, chị gái và hai em tôi. Trong đầu tôi giờ đầy cảm giác tội lỗi. Tôi căm ghét họ" - ông nói.

Các cầu thủ Hà Lan tới thăm trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan hôm 6/6 (Nguồn: Getty Images)

Những năm sau này, van Hanegem có thể thay đổi các suy nghĩ ấy. Nhưng sự thù ghét vẫn chảy ngầm trong lòng người Hà Lan. 14 năm sau sự kiện 1974, Hà Lan đã đá đít Đức ra khỏi giải đấu EURO 1988 tổ chức trên đất Đức để lên ngôi vô địch. Lần đó, trên các khán đài ở Hamburg, người ta đã đọc được những băng rôn có ghi hàng chữ "Bà ơi, cháu tìm thấy xe đạp của bà rồi" - có ý nhắc tới một thực tế rằng lính Đức đã tịch thu xe của dân Hà Lan trong thời gian chiếm đóng. "Họ ghét chúng tôi còn hơn cả chúng tôi căm ghét họ" - cầu thủ ngôi sao Karl-Heinz Foerster của Đức từng nhận xét. 33 năm sau khi Thế chiến thứ 2 chấm dứt, sự kiện đánh bại tuyển Đức trong Euro 1988 ở Hamburg giống như một sự giải phóng về mặt tinh thần cho những người Hà Lan. Hà Lan sau đó tiếp tục đánh bại tuyển Liên Xô để trở thành nhà vô địch EURO. "Tôi thật vui khi có thể trao món quà này cho các thế hệ cao tuổi, những người đã sống xuyên suốt cuộc chiến" - thủ môn Hà Lan Hans van Breukelen nói. HLV Rinus Michels thì nói với người hâm mộ rằng : "Chúng tôi đã thắng giải đấu, nhưng tất cả đều hiểu rằng trận bán kết mới thực sự là trận chung kết". Những cảm giác thù ghét như thế vẫn tồn tại cho tới World Cup 1990, khi người hâm mộ các bên đã la ó khi thấy quốc gia của phía bên kia nổi lên. Trong trận đấu, tiền đạo Đức Rudi Voeller và trung vệ Hà Lan Frank Rijkaard cũng phải lãnh thẻ đỏ rời sân vì cãi vã với nhau.

Frank Rijkaard nhổ nước bọt vào Rudu Voeller ở World Cup 1990 (Nguồn: Getty Images)
Thời gian đã chữa lành một số vết thương, trùng khớp với việc gần đây tuyển Đức không có nhiều thành công, khiến cho người hâm mộ của họ chẳng có nhiều thứ để khoe khoang. Tuy nhiên gần đây ca sĩ Đức Mickie Krause vẫn khiến dư luận nhướn mày khi tung ra một bài hát với nội dung nói rằng chỉ những người nhặt đồng nát mới mặc áo màu cam - ám chỉ tới bộ đồng phục nổi tiếng của tuyển Hà Lan.
[Sau Huntelaar, tới lượt Van der Vaart nổi loạn]
Với việc đã để thua Đan Mạch, người Hà Lan phải chấp nhận thực tế đau đớn rằng nếu thua, họ sẽ phải xách va li về nước sớm. Và thua ai thì thua, nhưng rõ ràng người Hà Lan sẽ không bao giờ muốn tuyển Đức sẽ là những kẻ tiễn họ về nước./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục