Lo ngại khi Trung Quốc thâu tóm tài sản nước ngoài

Trung Quốc khuyến khích những công ty trong nước mở rộng ra nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô.
Vụ thâu tóm tài sản nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc vừa diễn ra, thương vụ Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC mua lại tập đoàn Nexen của Canada với số tiền 15 tỷ USD, đã gây ra những lo ngại trên thị trường. Ottawa tuần trước đã thông qua việc tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ của Trung Quốc CNOOC mua lại công ty dầu và khí đốt Nexen, bất chấp sự phản đối của người dân. Chiến thắng này với CNOOC càng ngọt ngào sau khi hãng buộc phải rút lui trong nỗ lực bảy năm trước hòng mua lại một công ty Bắc Mỹ khác, nhà sản xuất khí đốt Unocal của Mỹ, sau sự phản đối dữ dội ở Washington. Với chính phủ Trung Quốc, thỏa thuận với Nexen xác lập nỗ lực cả một thập kỷ qua của họ khuyến khích những công ty trong nước mở rộng ra nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô cho nền kinh tế đang tăng trưởng rất nhanh. “Đó là một cột mốc cho thấy các công ty Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trong những thương vụ thâu tóm ở nước ngoài,” Edward Tse, chủ tịch phụ trách Trung Quốc của công ty tư vấn Booz & Company, bình luận. “Vụ này sẽ là tiền đề cho Trung Quốc tiếp tục mở rộng ở các nước khác, nhất là các nước phát triển.” Các công ty Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động sáp nhập và thâu tóm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, do tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều hãng phải bán tháo tài sản. Từ năm 2005 tới 2011, số vụ thâu tóm của Trung Quốc ở nước ngoài tăng gấp ba lên 177 và tăng gấp năm về giá trị lên 63 tỷ USD, theo công ty luật Squire Sanders và công ty cung cấp thông tin Mergermarket. Truyền thông Trung Quốc thì coi vụ mua lại Nexen thành công là một chiến thắng trước “những cường quốc phương Tây” đang hoạt động kinh doanh bất bình đẳng và bảo hộ quá nhiều. “Các nhà đầu tư Trung Quốc không được các chính quyền và truyền thông phương Tây tin tưởng, họ bị coi là những kẻ săn mồi và gián điệp lắm tiền,” Tân Hoa xã viết trong một bài xã luận. “Các cường quốc phương Tây có nỗi sợ với những nhà đầu tư Trung Quốc nên từ bỏ định kiến của họ với các doanh nghiệp Trung Quốc và hãy để cho các doanh nhân, chứ không phải chính trị gia, ra quyết định về chuyện làm ăn.” Một ủy ban quốc hội Mỹ thông báo vào tháng 10 rằng những hãng chế tạo viễn thông của Trung Quốc Huawei và ZTE phải bị loại khỏi các hợp đồng của chính phủ Mỹ vì thiết bị do họ sản xuất có thể sử dụng cho mục đích gián điệp. Fei Kwok, thuộc công ty luật Norton Rose ở Thượng Hải, nói thỏa thuận Nexen có thể giải tỏa áp lực tâm lý cho các công ty Trung Quốc định đầu tư ở nước ngoài. “Nó có ích về mặt tâm lý cho một số công ty quy mô nhả của Trung Quốc," bà Kwok nói với AFP.

Vụ CNOOC thâu tóm Nexen là vụ thâu tóm tài sản nước ngoài lớn nhất của các công ty Trung Quốc (Nguồn: AFP)
Nhưng một số học giả cho rằng đây không chỉ là chuyện thương mại khi Trung Quốc đang muốn cạnh tranh giành giật nguồn tài nguyên với các nước khác. “Hợp đồng này quan hệ chặt chẽ với các mục tiêu của chính quyền, bao gồm việc mở rộng sức mạnh kinh tế ở nước ngoài,” Joshua Eisenman, thuộc ban nghiên cứu Trung Quốc của Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ, bình luận. Tuy nhiên, không phải nơi đâu người Trung Quốc cũng được chào đón. Tại Myanmar, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã dẫn đầu mọt ủy ban điều tra vụ đàn áp người biểu tình chống lại một dự án khai khoáng do Trung Quốc góp vốn. Ở Zambia cũng đã xảy ra đụng độ ở các khu mỏ do Trung Quốc khai thác, khi các công nhân  bản địa cáo buộc chủ đầu tư bỏ qua quyền lợi chính đáng của người lao động. Còn tại Australia và New Zealand, căng thẳng cũng xuất hiện khi chính quyền cho phép các công ty Trung Quốc thuê lại đất nông nghiệp./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục