VietnamPlus vinh dự nhận hai giải Báo chí quốc gia

Đã có 117 tác phẩm báo chí đã được vinh danh trong Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII diễn ra tối ngày 21/6 tại Hà Nội.
Tối 21/6, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-năm 2012 đã long trọng tổ chức Lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2012 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII- năm 2012 đã quyết định trao tặng cho 117 tác phẩm đoạt giải thuộc 11 loại giải; trong đó, có: 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải khuyến khích.

Đến dự sự kiện có ý nghĩa to lớn của những người làm báo; chúc mừng các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong năm, chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII cũng được đón tiếp nhiều đồng chí ủy viên Trung ương Đảng- lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các nhà báo lão thành… cùng đông đảo những người làm báo trong cả nước

Phát biểu tại Lễ trao Giải (xem toàn văn bài phát biểu tại đây),Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của nhân dân, kể từ ngày 21/6/1925, ngày lãnh tụ Nguyễn ái Quốc xuất bản báo Thanh Niên - tờ báo khởi đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, cho tới ngày nay, lực lượng báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc ta và đã trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng và Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Báo chí cũng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống xã hội và đã trở thành một diễn đàn quan trọng phản ánh tiếng nói của người dân.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của mình, báo chí cả nước đã tuyên truyền cổ vũ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có thể khẳng định rằng, báo chí nước ta đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận xã hội và những thành tựu chung trên các lĩnh vực trong những năm đầy khó khăn, thách thức vừa qua.

Trong thời đại của hội nhập quốc tế và trong bối cảnh mới về thông tin truyền thông ngày nay, báo chí đã đưa tin nhanh nhạy, phản ánh phong phú đa chiều về các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế. Thông tin và truyền thông rộng rãi về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành sôi động quyết liệt của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và tăng cường công tác đối ngoại, nhất là các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính tiền tệ, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia…

Phản ánh đa dạng, phong phú nhịp đập của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí không chỉ coi trọng việc phát hiện, giới thiệu và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương gương người tốt việc tốt… mà còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện của suy thoái đạo đức lối sống và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Báo chí ngày càng khẳng định là một kênh thông tin quan trọng, góp phần thiết thực vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức và vươn lên, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao với đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Và hôm nay chúng ta tự hào về đội ngũ những người làm báo hùng hậu với gần 20 nghìn hội viên trong cả nước. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao và tạo hiệu quả xã hội tốt, thể hiện bước trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo.

“ Báo chí cách mạng của nước ta đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia hôm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu một số nội dung, định hướng nhiệm vụ đối với báo chí cách mạng trong thời gian tới.

Theo đó, thứ nhất, báo chí nước ta cần tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị và phản ánh kịp thời việc học tập, nghiên cứu, triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chính trị tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu quả việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tuyên truyền cổ vũ, động viên mọi người dân và doanh nghiệp trong cả nước thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; tăng cường hữu nghị và hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển với các nước.

Thứ hai, báo chí cần thực hiện tốt hơn nữa, chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Báo chí của chúng ta phải luôn là một lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc tình hình của đất nước; cũng như những thông tin gây phân tâm, làm phức tạp tình hình và không có lợi cho đất nước.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các Bộ ban ngành và các cơ quan Trung ương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí...; thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí; xử lý đúng pháp luật các việc làm sai trái trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời cơ thuận lợi và thách thức khó khăn đều lớn, đan xen nhau, đòi hỏi những người làm báo của chúng ta phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, tiếp tục tổ chức thật tốt Giải báo chí quốc gia. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những nhà báo trong sáng, kiên định, dũng cảm, sáng tạo, có những tác phẩm tốt cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Phát huy và nhân rộng ảnh hưởng và giá trị xã hội của Giải báo chí quốc gia sau 7 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng, khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp.

“Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thân ái chúc các đồng chí, những người làm báo Việt Nam, luôn xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, cùng nhau chung sức chung lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam XHCN - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu thay mặt những người làm báo Việt Nam chân thành cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước luôn dành cho những người làm báo nước nhà; đó là động lực và tiền đề để Báo chí cách mạng Việt Nam làm tròn sứ mệnh cao cả của mình trên con đường đồng hành cùng dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong phát biểu khai mạc Lễ trao giải, ông Thuận Hữu, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-năm 2012, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nhằm tôn vinh những tác giả có những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong năm 2012. Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-năm 2012 là một mùa giải thành công, thu hút số lượng tác giả, tác phẩm báo chí tham dự cao nhất từ trước đến nay.”

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm đoạt giải, ông Thuận Hữu cho biết: “Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút được nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh khách quan các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong năm 2012 với những chủ đề lớn như: Nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,’ về vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo quê hương…”

“Nhiều tác giả đi sâu giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với trách nhiệm xã hội của báo chí, nhiều đồng chí đã đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, các thế lực thù địch, đấu tranh mạnh mẽ bằng ngôn luận trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới.

Cùng với đó, nhiều tác phẩm có tính phát hiện vấn đề, có ý nghĩa xã hội được đầu tư công phu về nghiệp vụ của các cơ quan báo chí và của tác giả, nhóm tác giả; cách thể hiện ngày càng chuyên nghiệp,” ông Thuận Hữu phân tích.

So với những mùa giải trước, Giải Báo chí quốc gia lần này có sự mở rộng về cơ cấu giải thưởng. Theo đó, cơ cấu Giải Báo chí quốc gia năm 2012 được mở rộng từ 8 lên 11 loại giải; ảnh báo chí và báo điện tử được tách thành hai giải riêng (trước đây, hai thể loại này được gộp chung vào thể loại báo in) phù hợp với thực tế phát triển của báo chí hiện nay./.

Tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-năm 2012, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã giành 7 giải.

BáO IN
- Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn: tác giả Dương Anh Tùng với chùm 5 bài: Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (Giải C).

- Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận, tiểu phẩm báo chí: Loạt bài “Đầu tư cho tam nông ở Lâm Đồng” (tác giả Phạm Văn Đông – Phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng) đoạt giả C.

ảNH BáO CHí
- Tác giả An Đăng (Ban Biên tập ảnh) với tác phẩm “Thuyền viên Việt Nam bị hải tặc Somali bắt cóc đã trở về” đoạt giải C.

- Tác giả Hoàng Quang Hà (Báo ảnh Việt Nam) với Phóng sự ảnh “Dấu ấn Đại Hùng” đoạt giải C.

BáO HìNH
Thể loại tin, phóng sự, ký sự: Nhóm tác giả Trần Tiến Duẩn, Phạm Thị Phương Thảo, Phí Thị Bích Hào, Trần Kim Ngân, Tưởng Chí Cường (Trung tâm Thông tin-Tư liệu) với chùm tác phẩm “Học Bác mỗi ngày” đoạt giải C.

BáO ĐIệN Tử
- Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận: Tác giả Cao Thị Thùy Giang (Báo điện tử VietnamPlus) với chùm 5 bài “Tăng viện phí – Những góc nhìn đa chiều” đoạt giải B.

- Giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép: Nhóm tác giả Trần Sơn Bách - Đỗ Mạnh Hùng với chùm 4 bài: “Thảm họa La Pán Tẩn – Cân quặng, mạng người” đoạt giải B.

Thiện Thuật-Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục