Bulgaria: Nguy cơ lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng

Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev cảnh báo nước này đang trong "một cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế, xã hội và nghị viện."

Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev ngày 21/5 cảnh báo nước này đang trong "một cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế, xã hội và nghị viện."

Cảnh báo này của Tổng thống Plevneliev được đưa ra khi các nghị sỹ Bulgaria nhóm họp lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử diễn ra ngày 12/5 vốn vẫn chưa có kết quả cụ thể nhằm tìm cách phá vỡ thế bế tắc.

Tổng thống Plevneliev hối thúc các nhà lập pháp "không nên làm cho cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng mà giải quyết từng vấn đề một" sau khi các phái đảng bảo thủ và xã hội thất bại trong việc thành lập chính phủ đa số.

Theo ông, các đảng phái chính trị cần phải nhanh chóng thành lập chính phủ để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay, hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm tại quốc gia nghèo nhất châu Âu này.

Trong tổng số 240 ghế của quốc hội, đảng Công dân Bulgaria vì sự phát triển châu Âu (GERB) theo đường lối bảo thủ của cựu Thủ tướng Boyko Borisov giành được 97 ghế, giảm mạnh so với 117 ghế nhiệm kỳ trước.

Đảng Xã hội chủ nghĩa (BSP) đối lập về vị trí thứ hai với 84 ghế, tiếp theo là đảng MRF của người thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ với 36 ghế và đảng Ataka theo đường lối chủ nghĩa dân tộc quá khích với 23 ghế.

Giới phân tích cho rằng việc GERB không giành được đa số phiếu và bị các đảng khác như BSP và MRK đã tuyên bố "tẩy chay" đồng nghĩa với việc đảng này không còn cơ hội để thành lập chính phủ mới.

Do vậy, cơ hội đang được trao cho BSP, vốn đã cam kết sẽ tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi cho một chính phủ kỹ trị chống khủng hoảng do nhà kinh tế Plamen Oresharski đứng đầu.

Nếu BSP thất bại thì Tổng thống Plevneliev sẽ lựa chọn một trong hai đảng MRK và Ataka cho nỗ lực thứ ba và là cuối cùng trước khi tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức một tổng tuyển cử mới.

Cuộc bầu cử này, nếu diễn ra, chắc chắn sẽ đẩy quốc gia nghèo nhất "lục địa già" này lún sâu vào khủng hoảng chính trị.

Bulgaria rơi vào bế tắc chính trị từ ngày 20/2 vừa qua, sau khi Chính phủ của ông Borisov từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối nghèo đói, vấn nạn tham nhũng và tội phạm gia tăng.

Theo giới quan sát, Bulgaria cần khẩn cấp thành lập chính phủ mới để thương lượng với Liên minh châu Âu về hỗ trợ tài chính, soạn thảo ngân sách 2014 và giải quyết những bất bình trong dân chúng về mức sống thấp và giá năng lượng cao, nhằm tránh nguy cơ đối mặt với làn sóng biểu tình mới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục