Liên hoan múa cổ Thăng Long-Hà Nội lần thứ IV

Liên hoan múa cổ Thăng Long-Hà Nội lần thứ IV do Hội nghệ sỹ múa Hà Nội tổ chức, đã tưng bừng diễn ra tại sân tượng đài Lý Thái Tổ.

Tối 13/2, Liên hoan múa cổ Thăng Long-Hà Nội lần thứ IV do Hội nghệ sỹ múa Hà Nội tổ chức, đã tưng bừng diễn ra tại sân tượng đài Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm. Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tới dự.

Tham gia Liên hoan múa cổ Thăng Long-Hà Nội lần này có 8 điệu múa cổ, chia làm hai phần: Các điệu múa trong lễ hội tâm linh, tín ngưỡng và các điệu múa trong lễ hội dân gian, trong đó múa trong lễ hội tâm linh, tín ngưỡng gồm các điệu: Múa Chạy kiệu trong lễ Rước Kiệu do làng Xuân Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm thực hiện; hầu đồng với 3 giá Quan Đệ Ngũ, ông Hoàng Mười, cô Bé do nghệ nhân Kim Anh, quận Hà Đông thực hiện; múa Cấp Sắc trong lễ Cấp Sắc của người Dao do các nghệ nhân dân tộc người Dao, bản Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì biểu diễn; múa Rắn lột trong lễ hội Linh Lang Đại Vương do Hội tế Đình Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên thực hiện.

Phần múa trong các lễ hội dân gian gồm: Múa Kéo lửa thổi cơm thi do các nghệ sỹ làng Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh trình diễn; múa Rùa (múa Chuông) do Đội văn nghệ dân tộc Dao, bản Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì biểu diễn; múa Cởi Yến Mo do nghệ sỹ làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh biểu diễn; múa hát Tiếng cồng ngày Xuân do Đội văn nghệ dân tộc Mường, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất biểu diễn.

Lần đầu tiên tham gia múa cổ có các nghệ nhân, vũ công dân tộc Mường, huyện Thạch Thất và dân tộc Dao, huyện Ba Vì.

Những điệu múa truyền thống được các nghệ sỹ không chuyên thể hiện trong một không gian khoáng đạt, nhiều sắc màu thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách nước ngoài tới thưởng ngoạn.

Mặc dù nhiệt độ buổi tối ở Hà Nội xuống thấp, song các nghệ sỹ không chuyên vẫn say sưa trình diễn những màn múa đặc sắc của xóm làng mình với những động tác uyển chuyển, phóng khoáng nhưng không kém phần hồn nhiên, gần gũi, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ và vùng núi cao. Rất đông khán giả cổ vũ nhiệt tình cho các nghệ sỹ.

Cùng chị em mang đến liên hoan điệu múa Kéo lửa thổi cơm thi, chị Nguyễn Thị Nghĩa, 46 tuổi, thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh phấn khởi cho biết: "Kéo lửa thổi cơm thi là một lễ hội truyền thống của làng Lương Quy được tổ chức vào ngày mùng 5, 6/2 Âm lịch, tôn vinh Đức Thánh Gióng có công đánh giặc Ân."

Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho biết: "Chúng tôi mong muốn từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn chỉnh dàn dựng khoảng 35-40 tiết mục đặc sắc và độc đáo nhất, quy chuẩn hóa động tác và trang phục, biểu biễn báo cáo Thành phố trên tổng thể, cho ghi hình thành cuốn phim tư liệu chất lượng cao để các điệu múa quý giá này có điều kiện phổ cấp đến cả nước cũng như bạn bè quốc tế."

Ba cuộc Liên hoan múa cổ Thăng Long – Hà Nội trước được tổ chức vào các năm 2007, 2008, 2009 vào những ngày đầu Xuân tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, giới thiệu đến khán giả hơn 20 bài múa, điệu múa cổ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục