Lễ tế Xã Tắc thêm phong phú nhờ xã hội hóa lễ hội

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về việc phục hồi, tổ chức Lễ tế Xã Tắc 2011.
Lễ tế Xã Tắc tại Huế đã được tổ chức qua các kỳ Festival 2008 đến nay, gần đây TTXVN phát tin nêu vấn đề sẽ "Xã hội hóa Lễ tế Xã Tắc 2011" vào ngày 20/3 vừa qua và đã nhận được nhiều hồi âm của độc giả.

Nhân đây, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kiến trúc sư Phùng Phu đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN để làm rõ một số vấn đề còn nhiều ý kiến chưa thống nhất xung quanh việc phục hồi và tổ chức Lễ tế Xã Tắc 2011.

- Thưa ông, việc tổ chức phục hồi Đàn Xã Tắc tại Huế được thực hiện theo trình tự như thế nào?

Kiến trúc sư Phùng Phu: Đàn Xã Tắc tại kinh đô Huế được xây dựng vào năm 1806, đầu thời vua Gia Long. Khi đắp đàn Xã Tắc, triều Nguyễn đã huy động các dinh trấn trong cả nước chọn đất sạch và chắc đem về kinh đô để đắp đàn. Tuy vậy, số lượng đất sạch và chắc để đắp đàn mang về kinh đô chỉ có tính chất tượng trưng, chủ yếu để biểu tượng cho sự thống nhất non sông đất nước (Xã Tắc vì thế cũng mang ý nghĩa là Tổ Quốc).

Trải qua thời gian, chiến tranh, đàn Xã Tắc của Huế bị tàn phá và gần như đã trở thành một phế tích. Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết tâm đầu tư trùng tu phục hồi di tích đàn tế quan trọng này. Chúng tôi đã căn cứ trên kết quả thám sát khảo cổ học và nghiên cứu kỹ các nguồn sử liệu của triều Nguyễn để tiến hành dự án. Tuy đến nay dự án chưa hoàn thành tất cả các giai đoạn nhưng đã gần như trả lại diện mạo cơ bản của đàn Xã Tắc thời Nguyễn, nhất là tầng đàn Thượng.

- Thế việc trùng tu đàn Xã Tắc tại Huế có người cho là tùy tiện, thậm chí là “nhảm nhí,” vì lẽ ra phải dùng đất ngũ sắc (đất năm màu) của cả nước nhưng ở đây chỉ dùng đất trong các địa phương của Thừa Thiên-Huế, ông nghĩ như thế nào?

Kiến trúc sư Phùng Phu: Có lẽ người phát biểu ý kiến trên chưa tìm hiểu đầy đủ về công việc của chúng tôi đã làm chăng? Như đã nói, đúng là triều Nguyễn đã huy đất các dinh trấn đêm đất sạch và chắc (chứ không phải là đất ngũ sắc- điều này được ghi rõ trong các tư liệu của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hội điển sự lệ) về đắp đàn Xã Tắc, nhưng số đất trên chỉ có tính chất tượng trưng, mỗi địa phương góp từ một đến vài chục khiêng đất (mỗi khiêng chỉ vài chục kilogam), cộng lại chỉ đủ đắp một phần của thân đàn tế.

Năm 2008, khi thám sát khảo cổ học đàn Xã Tắc, chúng tôi đã phát hiện các lớp đất này được đắp rất công phu, và đã quyết định bảo tồn nguyên vẹn các lớp đất này. Việc huy động đất sạch từ các địa phương trong tỉnh để đắp hoàn thiện đàn tế như quy mô, hình dáng ban đầu là có căn cứ.

Ngày xưa, không những Quảng Đức (tức Thừa Thiên - Huế ngày nay) được đóng góp đất sạch nhiều nhất (100 khiêng) mà còn là nguồn cung cấp chủ yếu đất để đắp nên 2 tầng đàn Xã Tắc, vì đây là vùng đất của kinh đô Việt Nam lúc bấy giờ.

Bởi vậy, ý kiến cho rằng, việc phục hồi Đàn Xã Tắc hiện nay thiếu tiêu chí quan trọng là chọn đất theo 5 màu - tượng cho 5 Phương là không có căn cứ. Thực ra, ngày xưa, sau khi đắp xong đàn tế, người ta chỉ tô màu mặt đàn theo các phương của Ngũ hành chứ không phải dùng đất ngũ sắc tạo nên.

Từ đó, có thể khẳng định việc trùng tu phục hồi đàn Xã Tắc năm 2008 là việc làm có căn cứ khoa học, hợp tình, hợp lý, không phải "nhảm nhí" như một số ý kiến đã nhận xét.

- Có ý kiến cho rằng, các nhà tổ chức đã thương mại hóa Lễ tế Xã Tắc, vốn là một nghi lễ rất tôn nghiêm dưới triều Nguyễn, vấn đề này thực chất thế nào, thưa ông?

Kiến trúc sư Phùng Phu: Việc phục dựng Lễ tế Xã Tắc ở Huế luôn có hai phần: phần một là phần phục dựng các hình thức nghi lễ (có tính chất trình diễn) và phần hai là phần dành cho mọi người dâng hương.

Phần thứ nhất được nghiên cứu và phục dựng rất bài bản, công phu, mục đích được công khai rõ ràng là nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, giới thiệu không gian diễn xướng của những loại hình Đại nhạc, Nhã nhạc, Múa cung đình, trình diễn vẻ đẹp của văn hóa nghi lễ và trang phục truyền thống cung đình Huế xưa.

Phần sau là phần để người dân có thể thực hiện nguyện vọng của mình như ước nguyện cho mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, cuộc sống thanh bình. Trong chế độ quân chủ, chỉ duy nhất một người (nhà vua hoặc người được ủy quyền) được bước lên đàn tế để thể hiện ước vọng này, nhưng ngày nay điều đó tất phải thuộc về mọi người dân.

Việc phục dựng các nghi lễ cung đình để nhân dân, du khách hiểu thêm về nghi lễ truyền thống, tạo môi trường diễn xướng cho các hình thức diễn xướng cung đình như âm nhạc, múa… là chuyện một số nước đồng văn với Việt Nam đã làm từ lâu.

Ở Seoul, Hàn Quốc, không còn chế độ quân chủ nên lễ tế ở Tông Miếu (đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), người ta vẫn chọn người đóng vai nhà vua; ở Bắc Kinh, Trung Quốc, người ta đã phục dựng nghi lễ tế trời và tổ chức ngay tại Thiên Đàn…

Tại Huế, việc mời đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và bô lão đại diện cho trăm họ tham dự lễ tế Xã Tắc, là để họ có thể trực tiếp tham dự và thưởng thức một lễ hội cung đình (phục dựng) đồng thời trực tiếp thể hiện nguyện vọng của mình thông qua nghi lễ dâng hương.

Vấn đề cuối cùng, Lễ tế Xã Tắc tại Huế trước nay không hề có chuyện bán vé để thu lợi, theo đó cũng không bao giờ có một hoạt động mang tính kinh doanh, dịch vụ tại lễ này. Đây là một lễ hội dành cho toàn thể cộng đồng. Do vậy, điều mà chúng tôi muốn hướng tới là người dân được xem như chủ thể tinh thần của lễ tế Xã Tắc.

Vì vậy, việc xã hội hóa sẽ có một hiệu ứng tích cực, phù hợp với quan điểm xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong những năm gần đây của Đảng và Nhà nước.

Do vậy, việc xã hội hóa lễ hội để huy động thêm sự đóng góp của các tập thể, cá nhân về mọi mặt sẽ làm cho lễ hội thêm phong phú, sinh động, mà trên hết đó là tinh thần của người dân trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.

Xin cám ơn ông!

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục