Phục hồi tích cực

Dấu hiệu phục hồi tích cực của kinh tế Trung Quốc

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất trong tháng Ba là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo mạng tin ctvnews.ca ngày 1/4, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất trong tháng Ba có thể là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội Hậu cần và Mua bán Trung Quốc (CFLP) cho biết chỉ số quản lý sức mua trong tháng Ba đã tăng lên 50,9 từ mức 50,1 trong tháng Hai (mức thấp nhất trong vòng năm tháng qua).

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ thông qua chỉ số về doanh số tiêu thụ toàn cầu và nhu cầu tiềm năng đối với các quốc gia cung cấp nguyên vật liệu và các thành phần công nghiệp cho các nhà máy của Trung Quốc.

Theo CFLP, sự cải thiện trong các nhà máy sản xuất của Trung Quốc chủ yếu là do sự gia tăng các đơn đặt hàng và áp lực đối với giá nguyên liệu đầu vào đã giảm đáng kể.

Chuyên gia kinh tế Zhang Liqun cho biết các dữ liệu này cho thấy tất cả các hoạt động của nền kinh tế đang được duy trì một cách ổn định.

Theo ông, tốc độ tăng trưởng trong đầu tư và các đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng tốc và mức độ tăng của các đơn đặt hàng mới cho thấy các hoạt động kinh doanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt mức 7,9% trong quý cuối cùng của năm 2012.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ yếu và dần dần đi xuống, đặc biệt là nếu thương mại và đầu tư tiếp tục suy giảm có thể làm tổn thương nghiêm trọng hơn đến tốc độ tăng trưởng.

Liu Li Gang và Zhou Hao, hai chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ, nói rằng các động cơ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã ổn định trở lại, nhưng vẫn còn có những nguy cơ.

Theo họ, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn còn rất mong manh và có thể chịu tác động đáng kể từ các điều kiện khắc nghiệt của chính sách tiền tệ.

Nền kinh tế của Trung Quốc bị suy thoái chủ yếu là do những điều chính của mang tính áp đặt của Bắc Kinh đã làm giảm lạm phát và thúc đẩy giá nhà đất tăng mạnh.

Và suy thoái tiếp tục sâu sắc hơn khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ suy yếu trong năm 2011./.

Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục