Nuôi thắp lửa cho ca trù

Ngày hội ca trù truyền thống: Thưa vắng khán giả trẻ

Vẫn có những bạn trẻ chưa quay lưng với ca trù. Đó là những đốm lửa quý giá cần tiếp tục duy trì để một ngày có thể thổi bùng lên..
Ngồi xem chưa được 30 phút, Thu Hoài (20 tuổi, Cầu Giấy) lạnh lùng xách túi đứng lên. Vẻ mặt nhăn nhó, Hoài nói với người bạn đi cùng: “Đây là lần đầu tiên mình đi xem ca trù, nhưng có lẽ cũng sẽ là lần cuối cùng!” Cô bạn bước ra về, bỏ lại phía sau những cái chau mày, lắc đầu buồn bã của những khán giả trung niên. Hoài thản nhiên bước đi. Trong khi đó, trên sân khấu, nghệ nhân dân gian Vũ Thị Khuê (94 tuổi) vẫn đang say sưa với những làn điệu mà bà đã đau đáu cả một đời. Nỗi lòng người nghệ nhân “Bây giờ, mọi chuyện buồn thế đấy cô ạ!” giọng như nghẹn lại, nghệ nhân Vũ Văn Hồng (Mỹ Đình, Hà Nội) nói. Dõi ánh mắt mờ nhòe, thất thần theo bóng cô bạn trẻ, cụ Hồng trải lòng về những trăn trở của người nghệ nhân cả đời đeo đẳng với nghề. Cụ kể, gia đình cụ có truyền thống theo ca trù. “Đến đời tôi đã là đời thứ tư các cụ truyền nghề; nhưng có lẽ cũng sẽ phải dừng ở đây. Các con, cháu tôi không ai còn học và có ý định muốn gắn bó với những làn điệu ấy nữa. Tất cả đều làm việc ở những lĩnh vực khác. Chúng không biết hát ca trù nữa!” cụ nói, giọng run run. Một truyền thống gia đình bị ngắt quãng. “Không học, nhưng chúng cũng còn cả không muốn nghe ca trù,” cụ trải lòng. Dõi ánh mắt rưng rưng khắp các dãy ghế khán giả như cố kiếm tìm một gương mặt trẻ giữa những mái đầu bạc, cụ lắc đầu ngán ngẩm: “Cô thấy đấy, thanh niên bây giờ có ai xem ca trù đâu. Buồn lắm!” [Liên hoan Ca trù HN: Tìm lại văn hóa truyền thống] Ngày đầu tiên của Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ hai, khán giả thưa vắng. Những hàng ghế trống tênh. Khán giả chỉ tập trung ở vài ba hàng ghế đầu. Trong số đó, phần lớn là những khán giả trung niên. Thật khó để tìm được những gương mặt trẻ đến xem ca trù. Cô Nguyễn Lan (50 tuổi, Hai Bà Trưng) say sưa theo điệu nhạc của “Tỳ bà hành” do nghệ sỹ Bạch Vân thể hiện. “Tôi có rủ một cô cháu gái đang là sinh viên năm thứ nhất hôm nay đến xem ca trù. Nhưng vừa nghe xong, cô cháu nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Sau chừng vài giấy, nó cười vang, từ chối và nói với tôi rằng, giới trẻ không thích những loại hình nghệ thuật này,” cô Lan chia sẻ. Bước xuống từ sân khấu, nghệ sỹ Bạch Vân (Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội) tâm sự: “Là những người nghệ sỹ, chúng tôi cũng rất buồn khi khán giả thưa vắng thế này. Người trẻ không thấy, người già ít ỏi.” Chị kể, ở không ít điểm diễn nghệ thuật truyền thống, khán giả nước ngoài lại đông hơn khán giả trong nước, nhất là khán giả trẻ. Hôm nay, chị cũng không bất ngờ khi liên hoan gần như vắng bóng công chúng trẻ tuổi. “Tôi rất hiếm thấy bạn trẻ nào đến xem ca trù. Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội diễn miễn phí cố định vào thứ tư, thứ sáu và chủ nhật hàng tuần ở đình Kim Ngân (Hàng Bạc) nhưng chủ yếu chỉ có khách nước ngoài đến xem,” nghệ sỹ nói. Những đốm lửa hiếm hoi Triền miên trong câu chuyện, chị chia sẻ: “Nhưng cũng rất may, vẫn còn những bạn trẻ chưa quay lưng với ca trù. Đó là những đốm lửa hiếm hoi, quý giá mà chúng ta cần tiếp tục nhen nhóm, duy trì để đến một ngày có thể thổi bùng lên.” Những “đốm lửa” mà chị nói đến chính là những ca nương trẻ, những bạn tình nguyện viên của các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội. Có mặt tại liên hoan, bạn Minh Trang (sinh viên Đại học Kinh doanh-Công nghệ) cho biết, bạn tham gia câu lạc bộ ca trù từ năm 18 tuổi. “Hôm nay, mình cũng sẽ tham gia biểu diễn trực tiếp,” Trang nói, giọng đầy tự hào. Trang kể, có rất nhiều bạn bè nói cô bị “hâm” khi thích học và thích hát ca trù. “Nhiều ánh mắt nhìn em không mấy thiện cảm. Họ chế giễu và bảo em ‘không bình thường.’ Nhưng điều đó đâu có quan trọng. Cơ bản làn mình cảm thấy vui khi được học, được làm những gì thích,” cô bạn kể. Bạn bè của Trang cũng có một số người tham gia sinh hoạt, học ca trù tại các câu lạc bộ, giáo phường ở Hà Nội. “Nhóm em có khoảng chục người. Thỉnh thoảng, chúng em vẫn tụ tập cùng nhau, chia sẻ những điều học được,” Trang hào hứng nói. Rồi, chỉ tay về phía một nhóm bạn trẻ đang giúp các ca nương chuẩn bị trang phục diễn, Minh Trang cười rất tươi. Cô cho biết, đó là những bạn trẻ tình nguyện. Họ tham gia giúp đỡ các câu lạc bộ trong “công tác hậu cần,” đưa đón các cụ nghệ nhân bởi phần lớn, các nghệ nhân đều đã cao tuổi, không thể chủ động phương tiện đi lại. Thùy Vân, thành viên của nhóm tình nguyện chia sẻ: “Nghe ca trù, có nhiều đoạn mình cũng không hiểu hết; nhưng đến các câu lạc bộ, mình cảm nhận được tình yêu nghề, sự say mê của các nghệ sỹ. Có nhiều nghệ nhân đã ngoài 90 nhưng vẫn miệt mài truyền nghề cho thế hệ sau.” Giọng hồ hởi, Vân bảo, tham gia công tác tình nguyện, mình thấy vui vì làm được những việc có ích./.
Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 20 và 21/12 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Tham gia Liên hoan có sự góp mặt của năm câu lạc bộ, giáo phường Ca trù của Hà Nội gồm: Câu lạc bộ Ca trù Chanh thôn, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Giáo phường ca trù Lỗ Khê, Giáo phường ca trù Thăng Long; Giáo phường ca trù Thái Hà.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục